Cần ngăn chặn tình trạng phá rừng làm rẫy ở Phi Tô, Lâm Đồng

Trong nhiều năm qua, diện tích rừng ở xã Phi Tô, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng, ngày càng bị thu hẹp bởi tình trạng phá rừng làm rẫy. Nhiều diện tích đồi, núi bị phá trọc, hàng chục ha rừng phòng hộ bị đốn ngã, nhưng lực lượng bảo vệ rừng lại đang bế tắc trước những kẻ phá rừng liều lĩnh.


Rừng phòng hộ ở thung lũng Đạ Chơ Mo (xã Phi Tô) hiện đã mất đi màu xanh vốn có của nó, thay vào đó là màu xanh tươi mới của những đồi cà phê. Theo Hạt Kiểm lâm huyện Lâm Hà, khu vực rừng bị phá để làm nương rẫy này thuộc khoảnh 3 và 7, tiểu khu 243 (lâm phần do Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Ban quản lý). Thống kê sơ bộ từ năm 2010 đến nay, tại đây đã có 32,5 ha rừng bị “cạo trọc”. Từ đầu năm nay đến nay, đã xảy ra 16 vụ đốt, phá rừng trái phép, mỗi đợt có hàng chục hộ dân ồ ạt kéo vào phá rừng, hầu hết là người dân tộc thiểu số sinh sống tại các thôn Hang Hớt, Thực Nghiệm, Cổng Trời (xã Mê Linh, huyện Lâm Hà) và thôn Păng Tiêng (xã Lát, huyện Lạc Dương).


Ban quản lý rừng phòng hộ (QLRPH) Nam Ban cho biết, khu vực khoảnh 3 và 7, tại thời điểm Ban được bàn giao quản lý vào tháng 9/2011 có 115 ha rừng phòng hộ. Toàn bộ diện tích rừng này đã được giao khoán cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số để bảo vệ. Lực lượng bảo vệ rừng cũng đã tổ chức tuyên truyền, vận động người dân, nhưng tình trạng phá rừng làm rẫy vẫn tiếp tục diễn ra trong nhiều năm qua. Vì vậy, Ban QLRPH đã phải đề nghị Công an huyện Lâm Hà vào cuộc, nhưng đến nay tình trạng chặt phá rừng vẫn tiếp tục diễn ra rất căng thẳng, bà con nhất quyết không chịu trả đất, dời đi.


Ban QLRPH Nam Ban và chính quyền địa phương đã nhiều lần tổ chức giải tỏa diện tích trồng cà phê trái phép, nhưng thường xuyên gặp sự chống đối của người dân nơi đây. Điển hình vào tháng 3/2012, khi lực lượng bảo vệ rừng đang tiến hành giải tỏa thì hơn 40 người cầm gậy gộc, xà gạc, mã tấu xông vào ngăn cản và đánh trọng thương 5 cán bộ của Ban QLRPH. Mới đây nhất, ngày 8/3/2013, khi lực lượng chức năng lập biên bản hai đối tượng là Ya Dim và Ya Ngân (cùng ở Đức Trọng, Lâm Đồng) phá rừng, thì bị gây áp lực, đòi thả người.


Trước tình trạng trên, mới đây UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, xử lý tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng tại xã Phi Tô. Tỉnh yêu cầu huyện Lâm Hà phải tổ chức tiếp xúc với người dân các thôn trên để tuyên truyền, vận động bà con không tiếp tục phá rừng làm rẫy. Đồng thời lực lượng công an, kiểm lâm, UBND các xã củng cố hồ sơ, đề xuất cấp thẩm quyền xử lý nghiêm các đối tượng cầm đầu tổ chức phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép.


Nguyễn Dũng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN