Kéo giảm tội phạm
Từ tháng 12/2014, TP Hồ Chí Minh thực hiện việc đưa người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định trên địa bàn Thành phố vào cai nghiện tại các cơ sở xã hội, theo Nghị quyết 77 của Quốc hội. Sau gần 1 năm thực hiện, TP đã có hơn 5.410 người nghiện ma túy được đưa vào các cơ sở xã hội, các loại tội phạm liên quan đến ma túy cũng được giảm xuống.
Người nghiện ma túy lang thang được chăm sóc tốt hơn tại các cơ sở xã hội. |
Ông Trần Ngọc Du, Chi Cục trưởng Chi Cục tệ nạn xã hội TP thuộc Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP cho biết, việc đưa người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định vào cơ sở xã hội là một việc làm nhân đạo của TP, góp phần mang lại cho những người nghiện có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Khi vào các cơ sở xã hội, họ được tư vấn tâm lý, cắt cơn, giải độc, được chăm sóc sức khỏe chu đáo, ăn uống đầy đủ; được tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, học văn hóa và học nghề, chuẩn bị tốt nhất trước khi hồi gia, tái hòa nhập cộng đồng.
Theo ông Hứa Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh: Nghị quyết 77 của Quốc hội về đưa người nghiện không có nơi cư trú ổn định vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đã cơ bản giải quyết tình trạng người nghiện ma túy trên địa bàn. Tình hình người nghiện ma túy lang thang chích hút công khai nơi công cộng và các tụ điểm nhạy cảm trước đây đã được chuyển hóa cơ bản. Số vụ phạm pháp hình sự, nhất là các loại án xâm phạm sở hữu, tài sản cũng được kéo giảm rõ rệt. Tình hình an ninh trật tự trên địa bàn Thành phố ổn định hơn so với trước thời điểm ra quân, người dân phấn khởi, đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, nghị quyết này chỉ có hiệu lực thực hiện đến tháng 12 năm nay cho nên chúng tôi đang lo lắng công tác này sẽ phải trở về vạch xuất phát.
Cần một cơ chế
Theo ông Hứa Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, để đảm bảo an ninh trật tự xã hội và giữ bình yên cho nhân dân, TP cần tiếp tục thực hiện việc đưa người nghiện không nơi cư trú ổn định cai nghiện tại các cơ sở xã hội. Hiện TP đã có kinh nghiệm, có nhân sự, có nguồn lực căn bản để thực hiện công tác này. Thực tế, TP cũng đã tiếp nhiều đoàn ở các tỉnh, thành đến tham quan, học tập kinh nghiệm đưa người nghiện ma túy không có nơi cư trú nhất định vào cơ sở xã hội. Tuy nhiên, trong cả nước chưa có tỉnh, thành nào ra quân thực hiện như TP, nên công tác phối hợp thực hiện vẫn chưa đồng bộ, nhất là việc xác minh nơi cư trú của đối tượng. Vì vậy, Chính phủ nên chỉ đạo các địa phương hỗ trợ tích cực TP nhanh chóng xác định nơi cư trú của người nghiện ma túy thuộc các tỉnh, thành khác.
“Thời gian qua, Thành ủy và UBND TP liên tục có những chỉ đạo cụ thể để giải quyết tình trạng người nghiện ma túy không nơi cư trú ổn định. Tuy nhiên, để những công sức trên không “đổ sông đổ biển”, Trung ương cần có chính sách, cơ chế cụ thể để tiếp tục thực hiện tốt hơn công tác trên”, ông Thuận chia sẻ.
Đồng quan điểm trên, ông Trần Ngọc Du cũng cho biết: “Việc cai nghiện tại gia đình và cộng đồng còn nhiều khó khăn, nếu dừng việc đưa người nghiện không có nơi cư trú vào cơ sở xã hội sẽ gây ra nhiều hệ lụy khôn lường. Vì vậy, chúng tôi hy vọng Chính phủ sẽ sớm có quyết định thay thế nghị quyết trên để TP tiếp tục đưa người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định vào cơ sở xã hội. Thực tế cho thấy, việc đưa người nghiện không nơi cư trú ổn định đi cai nghiện bắt buộc hiện vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn như chưa thống nhất được danh sách thống kê, rà soát người có nghi vấn sử dụng chất ma túy do các quy định chưa thống nhất; khó xác minh tình trạng cư trú của người nghiện do người nghiện đến từ nhiều tỉnh thành khác, người lang thang sống ở nhiều nơi... Để giải quyết những tồn tại này, đòi hỏi, ngoài việc có cơ chế thống nhất từ Trung ương, TP cũng cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để việc đưa người nghiện đi cai nghiện bắt buộc đạt hiệu quả cao hơn”.