Theo Luật sư Đỗ Minh Hiển, điều 347 BLHS quy định: “Người nào xuất cảnh, nhập cảnh trái phép hoặc ở lại Việt Nam trái phép, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm sẽ bị phạt từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm”.
Nếu trước đó, BN 315 chưa bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này sẽ không bị khởi tố nhưng hành vi nhập cảnh trái phép bị áp mức phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 167/2013/NĐ-CP với mức phạt từ 3.000.000 đến 5.000.000 đồng (điểm a, khoản 3, điều 17).
Ngoài ra, nếu Campuchia được coi là vùng có dịch thuộc nhóm A, BN 315 còn bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm a, khoản 5, điều 11, Nghị định số 176/2013/NĐ-CP với mức phạt tiền từ 10.000.000 đến 20.000.000 đồng với hành vi: “Không thực hiện quyết định kiểm tra, giám sát, xử lý y tế trước khi ra vào vùng có dịch thuộc nhóm A”.
Theo Bộ Y tế, tính đến 18 giờ ngày 16/5, Việt Nam ghi nhận thêm 4 ca mắc mới COVID-19, đều là người nhập cảnh. Trong đó, có 1 trường hợp trở về từ Campuchia bằng xe khách và đã tiếp xúc với 17 người.
BN315 là bệnh nhân nam, 39 tuổi, từ Campuchia về nước và nhập cảnh trái phép qua đường mòn vào lúc 15 giờ 30 phút ngày 2/5, đến nhà người dì ruột tại ấp Tân Đông, xã Tân Thành, huyện Tân Châu (Tây Ninh). Theo yêu cầu của người dì, người đàn ông này đã tới ngay công an xã trình báo, được giữ cách ly tại xã tới sáng 3/5. Sáng 3/5, bệnh nhân được đưa đi cách ly tập trung tại K71. Tối 15/5, mẫu xét nghiệm lần 2 của bệnh nhân tại Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh cho kết quả dương tính với COVID-19.
Bệnh nhân này được điều trị cách ly tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh. 17 người tiếp xúc gần với bệnh nhân này đã được cách ly theo dõi tại Trung tâm Y tế huyện Tân Châu và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh.
Cuộc chiến chống dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam vẫn còn gian nan trong bối cảnh các ca nhiễm mới tại các nước, vùng quốc gia và lãnh thổ trên thế giới vẫn tăng mạnh. Trước đó, Việt Nam có trường hợp BN178 (Thái Nguyên), một số bệnh nhân mắc COVID-19 cũng được cơ quan chức năng xác nhận, khai báo y tế không chính xác và không tuân thủ lệnh cách ly như: BN 17, 34, 100... khiến dư luận hết sức phẫn nộ.
Theo đó, các trường hợp trên đã không khai báo y tế hoặc không chịu áp dụng các biện pháp cách ly y tế đã chỉ tính tới lợi ích của cá nhân mà không nghĩ tới sức khỏe tính mạng của cộng đồng. Các hành vi này đã vi phạm quy định của Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.
Nhiều ý kiến cho rằng: Hiện Việt Nam mới chỉ xử lý với những đối tượng đưa tin, đe dọa, quấy rối, xúc phạm liên quan đến danh dự, nhân phẩm người khác... Tuy nhiên, với hành vi liên quan đến cưỡng chế cách ly y tế và khai báo y tế, Việt Nam vẫn chưa xử lý nghiêm các trường hợp tương tự. Nhiều luật sư cho rằng, khi phát hiện hành vi bỏ trốn cách ly và hậu quả xảy ra làm lây lan dịch bệnh cho người khác, cơ quan chức năng có thể khởi tố vụ án, khởi tố bị can để xử lý theo pháp luật.
Trước đó, Luật sư Phạm Thị Thu (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhấn mạnh: Hành vi trốn cách ly y tế làm lây lan dịch bệnh, gây những hậu quả xấu cho xã hội và đe dọa tính mạng, sức khỏe của con người nếu có đủ dấu hiệu của “Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” được quy định tại Điều 240 BLHS, đó là hành vi của người bị nhiễm bệnh không chịu áp dụng các biện pháp cách ly, phòng ngừa bắt buộc. Mức hình phạt tù đối với tội này lên đến 12 năm tù. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.