Với nhiều thủ đoạn tinh vi, các đối tượng buôn bán người đã lợi dụng công nghệ, mạng xã hội để làm quen và lừa đảo các nạn nhân vốn phần đông là người đồng bào dân tộc thiểu số, có nhận thức hạn chế.
Diễn biến phức tạp, khó kiểm soát
Ông Nguyễn Tường Long - Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội Lào Cai cho biết, riêng tại tỉnh Lào Cai, năm 2017 đã tiếp nhận 103 nạn nhân của các vụ buôn bán người và 6 tháng đầu năm 2018 là 27 nạn nhân. Đa số các nạn nhân khi trở về đều gặp các vấn đề về tâm lý, sức khỏe; một số nạn nhân có biểu hiện thần kinh, một số có thai và mang về con nhỏ, có nạn nhân bị trọng thương… Tất cả các nạn nhân khi được giải cứu trở về đều được hỗ trợ theo đúng quy định của Luật phòng, chống mua bán người.
Sáng 9/2/2018, tại Lào Cai, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lào Cai đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự mua bán người, mua bán trẻ em qua biên giới. Đối tượng là Sùng Seo Tráng, dân tộc Mông, sinh năm 1997, trú tại thôn Lùng Sán Chồ, xã Dìn Chin, huyện Mường Khương (Lào Cai). Đối tượng Sùng Seo Tráng đã lừa bán 2 thiếu nữ sang Trung Quốc (trong đó có một nạn nhân là người yêu của Tráng) lấy tiền mua xe máy. Ảnh: Hương Thu/TTXVN |
Theo ông Long, tình trạng buôn bán người trên địa bàn vùng biên giới diễn biến phức tạp bởi nhiều yếu tố. Riêng tại tỉnh Lào Cai có 25 dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc Kinh chỉ chiếm 35%, còn lại là các dân tộc thiểu số phân bố trên 164 xã, phường, thị trấn thuộc 9 huyện, thành phố. Trình độ dân trí phát triển không đồng đều, nhận thức về pháp luật còn hạn chế, vẫn còn tồn tại những hủ tục lạc hậu như kéo vợ, tảo hôn. Đồng thời, sự phân hóa giàu nghèo ngày càng rõ nét giữa vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới với thành phố, vùng thấp. Một bộ phận dân cư có hoàn cảnh kinh tế khó khăn và trình độ nhận thức hạn chế, có nhu cầu tìm việc làm thu nhập cao để thay đổi cuộc sống.
Bên cạnh đó, Lào Cai với đường biên giới dài gần 200 km, cùng nhiều cửa khẩu, đường mòn, lối mở thông thương sang Trung Quốc, nhân dân hai bên biên giới có mối quan hệ thân tộc, dân tộc từ lâu đời. Phương thức, thủ đoạn của các loại tội phạm buôn bán người ngày đa dạng, phức tạp. Chúng tạo lập các đường dây, ổ nhóm, cấu kết chặt chẽ giữa các đối tượng ở nước ngoài với các đối tượng ở địa bàn khu vực biên giới thông qua các mối quan hệ có sẵn hoặc rủ rê phụ nữ dẹ nhạ cả tin ở những phiên chợ vùng cao bằng thủ đoạn giới thiệu việc làm nhàn hạ có lương cao, giả yêu đương, đưa đi thăm gia đình, đưa đi chơi, sau đó cùng đồng bọn đưa nạn nhân vào khu vực biên giới hẻo lánh, ép buộc đưa sang Trung Quốc bán cho các chủ chứa mại dâm hay đưa vào sâu nội địa để làm vợ những người đàn ông Trung Quốc.
Bên cạnh các chiêu trò cũ đề lừa gạt nạn nhân, hiện nay các đối tượng buôn bán người còn tận dụng công nghệ thông tin như zalo, facebook để lôi kéo, dụ dỗ nạn nhân. Nhiều nạn nhân là các nữ sinh khi được giải cứu cho biết mới chỉ quen qua mạng, gặp gỡ ngay lần đầu đã bị các đối tượng lừa bán. Vì vậy các nạn nhân đều không biết rõ địa chỉ, lai lịch của các đối tượng nên gây nhiều khó khăn cho cơ quan chức năng khi muốn điều tra, làm rõ các đối tượng tội phạm.
Hỗ trợ các nạn nhân hòa nhập cộng đồng Tuyên truyền phòng chống mua bán người tại chợ Mường Hum, huyện Bát Xát. Ảnh: Hương Thu/TTXVN |
Để hỗ trợ hiệu quả các nạn nhân bị mua bán được giải cứu trở về Việt Nam, tỉnh Lào Cai đã thành lập một cơ sở mang tên Nhà nhân ái.
Hơn 10 ngày trôi qua kể từ khi trốn thoát từ phía bên kia biên giới, trên gương mặt em Mùa Thị S, sinh năm 2003 (huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên) vẫn lộ rõ vẻ bàng hoàng, sợ hãi mỗi khi nhớ lại. Vừa bước vào tuổi 15 nhưng S già dặn hơn rất nhiều so với các bạn cùng trang lứa. Theo lời kể của S, từ một người bạn quen qua facebook tên C với lời hứa tìm một công việc lương cao, nhẹ nhàng ở biên kia biên giới, tháng 3/2018, S và hai bạn cùng quê đã hẹn nhau tại trung tâm huyện Điện Biên Đông để cùng C vượt biên sang Trung Quốc. S cũng không nhớ mình đã ở đâu, chỉ biết có người đón tất cả rồi đi bằng đường sông sang Trung Quốc. Tại đây, S mới biết mình bị lừa bán sang Trung Quốc thì đã muộn.
Ngoài Mùa Thị S, hiện tại ngôi Nhà nhân ái Lào Cai còn có 14 nạn nhân đang lưu trú đã từng trải qua những ngày đau đớn, khó khăn ở xứ người. Nhờ sự giúp đỡ tận tâm của những cán bộ trong ngôi Nhà nhân ái cùng sự hỗ trợ của các cấp, ngành, các tổ chức quốc tế, các nhà hảo tâm, các em đã từng bước ổn định tâm lý để tái hòa nhập với cộng đồng. Chứng kiến hình ảnh các em lao động, may vá, trồng rau… cùng giúp nhau vượt qua những thời khắc khó khăn về tâm lý mới thấy hết được giá trị mà những cán bộ ở ngôi nhà nhân ái tỉnh Lào Cai đã làm được.
Chị Nguyễn Thị Dung - cán bộ Nhà nhân ái Lào Cai cho biết, trong 8 năm đi vào hoạt động (2010 - 2018) tại đây đã tiếp nhận và hỗ trợ cho 176 nạn nhân bị mua bán trở về. Đến nay, đã có 162 nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng an toàn, 100% nạn nhân được chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh, mua bảo hiểm y tế, được tư vấn giáo dục kỹ năng sống, được học văn hóa, học nghề và giới thiệu việc làm theo khả năng và nguyện vọng, 70% nạn nhân đã xây dựng gia đình, ổn định cuộc sống.
Đồng thời, tất cả các nạn nhân đã được hồi gia an toàn, không bị tái mua bán, không mắc vào tệ nạn xã hội, nhiều em đã tự tin trở thành người truyền thông trực tiếp bằng tiếng dân tộc mình trước các phiên chợ vùng cao và các trường học. Qua đó, đã góp phần ngăn chặn có hiệu quả nạn mua bán người tại các xã vùng cao, giúp bà con người đồng bào thiểu số nhận diện rõ âm mưu, thủ đoạn của các đối tượng mua bán người để đề cao cảnh giác.
Trước những diễn biến về tội phạm buôn bán người trên tuyến biên giới, các ngành chức năng của tỉnh Lào Cai đang tiếp tục tuyên truyền, phát huy tối đa vai trò của gia đình, nhà trường và chính quyền sở tại để ngăn chặn tội phạm buôn bán người; phối hợp cùng các đồn Biên phòng kiểm soát chặt chẽ hơn trên tuyến biên giới nhằm ngăn chặn tội phạm mua bán người. Cùng với đó tỉnh tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng của Trung Quốc trong công tác phòng chống mua bán người và giải cứu các nạn nhân khi có thông tin.