Khoản 1, Điều 5, Thông tư số 01/2016/TT-BCA của Bộ Công an quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ của CSGT quy định quyền hạn của cán bộ làm công tác tuần tra kiểm soát như sau:
Được dừng các phương tiện đang tham gia giao thông đường bộ; kiểm soát phương tiện, giấy tờ của phương tiện; kiểm soát người và giấy tờ của người điều khiển phương tiện, giấy tờ tùy thân của người trên phương tiện đang kiểm soát, việc thực hiện các quy định về hoạt động vận tải đường bộ theo quy định pháp luật.
CSGT kiểm tra giấy tờ xe máy liều lĩnh đi vào đường cao tốc. Ảnh: Bùi Như Trường Giang/TTXVN |
Mặt khác, Điều 8 của Thông tư số 01/2016/TT-BCA có quy định chi tiết về phương thức tuần tra kiểm soát công khai gồm: Tuần tra, kiểm soát cơ động; Kiểm soát tại trạm CSGT; Kiểm soát tại một điểm trên đường giao thông; tuần tra kiểm soát cơ động kết hợp kiểm soát tại một điểm trên đường giao thông.
Điều 5 Thông tư 03/2016 của Bộ Công an quy định về quy trình tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính trên đường cao tốc của CSGT đã nêu rõ vị trí, thời gian dừng phương tiện kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính như sau:
Khi kiểm soát tại một điểm trên đường cao tốc, chỉ được dừng phương tiện để kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính tại các vị trí sau: Điểm đầu, cuối đường cao tốc; Khu vực Trạm thu phí trên đường cao tốc; Trạm dừng nghỉ trên đường cao tốc; Đoạn đường nhánh vào, ra đường cao tốc;
Khi tuần tra, kiểm soát cơ động trên đường cao tốc, chỉ được dừng phương tiện vào làn dừng phương tiện khẩn cấp để kiểm soát, xử lý vi phạm trong các trường hợp sau: Phát hiện hành vi vi phạm trật tự, ATGT có nguy cơ tức thời gây mất ATGT nghiêm trọng; Tin báo, tố giác về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện đang lưu thông trên đường cao tốc; Có yêu cầu của thủ trưởng, phó thủ trưởng Cơ quan điều tra phục vụ công tác đấu tranh chống tội phạm; Phát hiện phương tiện dừng, đỗ trái quy định trên đường cao tốc.
Như vậy, CSGT được quyền dừng xe trên cao tốc theo quy định của pháp luật.