Xã Tứ Yên, huyện Sông Lô là một điểm nóng về khai thác cát, trước đây có nhiều đơn vị khai thác với hàng chục tàu hoạt động suốt ngày đêm. Ngày 20/3/2015, UBND tỉnh Vĩnh Phúc có quyết định thu hồi điểm mỏ khu vực xã Tứ Yên của Công ty cổ phần Xây dựng và Kinh doanh nhà Vĩnh Phúc, giao cho Công ty cổ phần Thương mại và Đầu tư Thái An (Công ty Thái An) khai thác cát, sỏi lòng sông Lô, với diện tích 34,06 ha, trữ lượng địa chất khoảng 436,8 nghìn m3. Công ty Thái An được khai thác với mức sâu cote + 2 mét, công suất khai thác 46.000 m3/năm, thời hạn đến hết tháng 3/2024...
Chị Nguyễn Thị Loan, Trưởng thôn Yên Mỹ, xã Tứ Yên, cho biết: Công ty Thái An bắt đầu khai thác cát rầm rộ cả ngày lẫn đêm, từ 2 - 3 tháng trở lại đây, làm ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. Vị trí khai thác lại gần bờ, gây mất an toàn cho hành lang đê.
Ông Nguyễn Duy Hạt, thôn Yên Kiều, đại biểu HĐND xã Tứ Yên cho biết: Trước kia, khi chưa có doanh nghiệp nào khai thác cát, sỏi, bà con thoải mái canh tác trên bãi bồi. Hiện đất canh tác chẳng còn bao nhiêu bởi phần lớn đã bị sạt lở mà nguyên nhân chính là do khai thác cát. Theo ông Hạt, vị trí khai thác cát của Công ty Thái An lại đúng vị trí bãi kè nơi xảy ra vụ vỡ đê năm 1986 khiến nhiều diện tích bãi bồi, đất canh tác, hoa màu của bà con, nhiều rọ đá bãi kè cũng bị cuốn trôi. Khi nước rút sẽ lộ rõ những chỗ sạt lở, hàm ếch bờ kè. Các hộ dân phải cắt cử người trông giữ, bảo vệ đất canh tác và an toàn hành lang đê.
Ông Nguyễn Hữu Bắc, Trưởng thôn Yên Kiều, xã Tứ Yên cho biết: Nạn khai thác cát đã ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, gây sạt lở hàng trăm mét dọc đê tả sông Lô. Ngày 10/8/2016, hàng trăm người dân đã tụ tập đánh trống, xua đuổi tàu khai thác cát, nhưng sau đó các tàu lại kéo đến khai thác, đồng thời đe dọa, thách thức người dân. Rất ít khi các ngành chức năng có mặt, chính quyền địa phương coi việc khai thác cát trái phép như không phải việc của mình nên không ngăn chặn, xử lý...
Trả lời câu hỏi của báo chí, ông Trần Quang Sỹ, Chủ tịch xã Tứ Yên thừa nhận tình trạng khai thác cát của doanh nghiệp Thái An đang gây bất ổn cho dân.
Tương tự, các xã khác như Bạch Lưu, Cao Phong, Đôn Nhân... thuộc huyện Sông Lô, tình trạng khai thác cát cũng phức tạp, khiến đất đai sạt lở triền miên. Một số nơi từ chân đê ra mép nước chỉ trên dưới 20 mét nhưng các tàu khai thác vẫn hoạt động. Cả trăm gia đình ở các xã này đã mất đất canh tác và đất ở cũng có nguy cơ biến mất khi mực nước sông Lô lên cao.
Theo báo cáo số 62/BC - UBND ngày 18/3/2016 của UBND xã Đôn Nhân gửi UBND huyện Sông Lô, ngày 26/2/2016 tổng chiều dài đất canh tác bị sạt lở là 202 m, kè Áp Trúc bị sạt lở 62 m, điểm rộng nhất gần 10 m. Xã Đôn Nhân có 6 đơn vị được phép khai thác khoáng sản, cát sỏi và nạo vét lòng sông Lô là: Công ty cổ phần xây dựng Bắc Ái; Công ty cổ phần khai thác và chế biến lâm khoáng sản Hoàng Phát; Công ty TNHH xây dựng phát triển hạ tầng Vân Nội; Công ty TNHH vận tải và xây dựng Vĩnh Phúc; Công ty cổ phần khoáng sản Đông Dương AVA; Công ty cổ phần xây dựng và đầu tư Phúc Lợi Hà Nội.
Tỉnh Vĩnh Phúc đang tăng cường kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh hoạt động khai thác cát, sỏi trên sông Lô, nhất là các điểm nóng gây bức xúc về khai thác cát sỏi. Tuy nhiên, người dân các xã dọc sông Lô vẫn đang mong chờ một giải pháp hữu hiệu, đủ sức răn đe để việc khai thác cát sỏi đi vào khuôn khổ, đúng luật định.