Chế biến cà phê bẩn tại cơ sở của bà Nguyễn Thị Thanh Loan bị cơ quan chức năng tỉnh Đắk Nông phát hiện. Ảnh: TTXVN phát |
Ông Ngô Xuân Lộc, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Đắk Nông cho biết: Văn phòng đang thống nhất với Công an tỉnh, chiều 18/4 sẽ tổ chức họp báo để thông tin cụ thể về vụ việc.
Còn ông Nguyễn Văn Chương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Nông – Lâm sản và Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Nông) khẳng định việc cơ sở thu mua nông sản của bà Nguyễn Thị Thanh Loan có hành vi trộn phế phẩm cà phê với bột đá xay, sau đó nhuộm đen bằng hóa chất hòa với nước pha bột than từ lõi pin, rồi phơi sấy để tạo ra một hỗn hợp là có thật. Tuy nhiên, việc làm này vì mục đích gì thì vẫn chưa xác định được do chủ cơ sở chưa khai báo. “Cơ sở này không đăng ký sản xuất cà phê rang xay, không có bao bì nhãn mác để sản xuất cà phê bột thành phẩm. Vì vậy, việc đưa thông tin cơ sở này sản xuất “cà phê bẩn” là quy chụp, gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng rất lớn đến ngành cà phê rang xay của tỉnh và của cả nước”, ông Chương nói.
Thượng tá Phạm Thanh Bình, Trưởng phòng Tham mưu Công an tỉnh Đắk Nông thông tin, vụ việc vẫn đang được Cơ quan Công an tỉnh phối hợp với các đơn vị liên quan điều tra, làm rõ những hành vi vi phạm của cơ sở này. Những sai phạm sẽ được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Như TTXVN đã thông tin, từ phản ánh của người dân và thông qua hoạt động trinh sát, 15 giờ 30 phút, ngày 15/4, Phòng Cảnh sát Môi trường, Công an tỉnh Đắk Nông phối hợp với Chi cục Quản lý chất lượng Nông – Lâm sản và Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông) đã bắt quả tang cơ sở thu mua nông sản tại thôn 13, xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông có hành vi trộn phế phẩm cà phê, bột đá xay, hóa chất hòa với bột than từ lõi pin để sản xuất ra một loại hỗn hợp sản phẩm để bán ra thị trường.
Tại hiện trường, lực lượng chức năng phát hiện có hàng chục tấn hỗn hợp thành phẩm đã được đóng thành bao tải chuẩn bị được đưa đi tiêu thụ, cùng với đó là nhiều tấn nguyên liệu, phụ gia để sản suất ra hỗn hợp này như: Phụ phẩm cà phê (vỏ cà phê, hạt cà phê thải loại xay nát), bột đá xay, lõi than pin Con Ó, các can hóa chất và dụng cụ sản xuất.
Bước đầu, chủ cơ sở khai nhận, thời gian qua đã thu mua các loại cà phê kém chất lượng từ các đại lý, sau đó trộn với đá xay, ngâm tẩm với bột than lấy từ lõi pin, các loại hóa chất để làm đẹp. Số phế phẩm cà phê sau khi được nhuộm đen bằng pin được sấy khô, sau đó đóng thành bao tải từ 50 – 70 kg rồi bán ra thị trường. Từ đầu năm 2018 đến nay cơ sở đã bán ra thị trường khoảng 3 tấn hỗn hợp thành phẩm.
Theo UBND xã Đắk Wer, cơ sở của bà Nguyễn Thị Thanh Loan được cấp giấy phép kinh doanh từ năm 2016, với ngành nghề thu mua nông sản. Tuy nhiên, cơ sở này không treo bảng biểu nên rất khó quản lý.