Đây là ý kiến của ông Lê Vệ Quốc, Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) trong Tọa đàm thông tin truyền thông Tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW Ngày pháp luật Việt Nam năm 2019 và Cuộc thi trực tuyến toàn quốc tìm hiểu kiến thức pháp luật trong các nhà trường và cơ sở giáo dục nghề nghiệp do Bộ Tư pháp tổ chức sáng ngày 8/10.
Theo ông Lê Vệ Quốc, mục đích của buổi tọa đàm mong muốn các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường truyền thông tuyên truyền pháp luật nhằm khẳng định cụ thể, toàn diện hơn nữa vai trò của phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL). Cung cấp chính xác đầy đủ, kịp thời tới người dân hiểu được chính sách pháp luật cũng như góp tiếng nói để Nhà nước nắm được những nhu cầu của nhân dân để hoàn thiện thể chế chính sách pháp luật.
Việc tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW nhằm đẩy mạnh, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp và các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương trong tổ chức thực hiện PBGDPL. Thiết chế Hội đồng đã khẳng định vị trí, vai trò trong tư vấn, tham mưu giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, UBND, Chủ tịch UBND cùng cấp thực hiện các nhiệm vụ được giao theo Luật PBGDPL, nhất là hoàn thiện thể chế, chính sách, định hướng chủ đề, nội dung, hình thức PBGDPL cần chú trọng thực hiện. Xác định nội dung trọng tâm PBGDPL và lựa chọn các hình thức PBGDPL phù hợp với đối tượng, địa bàn.
Trong những năm qua, nội dung PBGDPL ngày càng đi vào chiều sâu, đáp ứng một cách thực chất hơn nhu cầu thực tiễn của xã hội và yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị của các cơ quan, đơn vị. Hình thức PBGDPL luôn được đổi mới, sáng tạo phù hợp với từng nhóm đối tượng cụ thể, bám sát yêu cầu của Luật PBGDPL và đòi hỏi phù hợp với từng đối tượng cụ thể.
Mặc dù vậy, ông Lê Vệ Quốc cũng cho rằng: Nếu cấp ủy, chính quyền địa phương, người dân hiểu đúng pháp luật thì khi pháp luật được ban hành, được tuyên truyền đầy đủ, người dân sẽ thực hiện đúng pháp luật, không thụ động. Từ đó công tác PBGDPL sẽ đầy đủ hơn, toàn diện hơn và đi vào cuộc sống tốt hơn. Tại tọa đàm, nhiều ý kiến thảo luận đều đồng quan điểm: Không riêng ở vùng sâu, vùng xa là “vùng trũng về pháp luật” mà ngay cả ở các thành phố lớn, cá biệt là cả người nước ngoài cũng chưa hiểu hết các quy định của luật pháp, chưa tuân thủ và hiểu hết về các quy định của pháp luật.
Chính vì vậy, Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) đã có nhiều hình thức PBGDPL được áp dụng mang lại hiệu quả thiết thực như: Phổ biến pháp luật trực tiếp; tư vấn, hướng dẫn tìm hiểu pháp luật; cung cấp thông tin, tài liệu pháp luật; PBGDPL trên các phương tiện thông tin đại chúng, ứng dụng công nghệ thông tin trong PBGDPL.
Thời gian tới, Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật tiếp tục quán triệt đầy đủ, triển khai tổ chức thực hiện nghiêm túc Luật PBGDPL và các văn bản hướng dẫn thi hành, nhất là trách nhiệm được giao trong các văn bản liên quan đến triển khai nhiệm vụ PBGDPL. Tiếp tục có giải pháp đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về PBGDPL…
Năm 2019 là năm thứ 6 Ngày Pháp luật Việt Nam được triển khai phát động trên toàn quốc, cao điểm là từ ngày 10/10 đến ngày 10/11/2019. Cùng với việc hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam, Bộ Tư pháp sẽ phối hợp với UBND TP Hà Nội, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tập đoàn giáo dục Egroup phát động Cuộc thi trực tuyến toàn quốc “Pháp luật học đường”. Dự kiến Cuộc thi sẽ được tổ chức từ tháng 11/2019 đến tháng 3/2020 và chia làm 3 vòng thi: Vòng loại, vòng bán kết và vòng chung kết trên website http://timhieuphapluat.vn.