Cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn xây dựng các dự án luật

Ngày 10/3, Công an tỉnh Tuyên Quang tổ chức Hội thảo cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn xây dựng dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Chú thích ảnh
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: TTXVN phát

Thời gian qua, công tác bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã có những bước phát triển và đóng góp to lớn vào sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Tuy nhiên, thực tiễn tổ chức và hoạt động ở các mặt công tác này đã bộc lộ nhiều hạn chế, vướng mắc, bất cập, nhất là về cơ chế, chính sách, cơ sở pháp lý dẫn đến khó khăn, thách thức không nhỏ trong thi hành pháp luật của nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương và việc chấp hành pháp luật của đông đảo quần chúng nhân dân, đòi hỏi phải có sự hoàn thiện chính sách, pháp luật nhằm tạo cơ sở chính trị, pháp lý đầy đủ, chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất đối với 2 lĩnh vực này.

Tại hội thảo, các đại biểu đã đưa ra những tham luận cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn xây dựng dự án Luật Lực lượng tham giao bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở và dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Tham luận tại Hội thảo, đại diện Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ - Công an tỉnh Tuyên Quang chia sẻ, với đặc thù là địa bàn miền núi, kinh tế chậm phát triển, đời sống người dân còn nhiều khó khăn dẫn đến sự quan tâm, đầu tư cho công tác phòng cháy, chữa cháy còn nhiều hạn chế, thành phần chủ yếu của đội dân phòng là lực lượng bảo vệ an ninh khu phố, dân quân tự vệ hoạt động kiêm nhiệm, còn yếu về chuyên môn nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy, hầu hết chưa được trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại chỗ theo quy định. Các cấp có thẩm quyền cần tiếp tục quan tâm, đầu tư trang thiết bị, phương tiện phòng cháy, chữa cháy; tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong tình hình mới.

Phát biểu kết luận tại hội thảo, Đại tá Đỗ Tiến Thùy, Phó Giám đốc Công an tỉnh Tuyên Quang khẳng định, các ý kiến đã làm rõ sự cần thiết, vai trò, tầm quan trọng của 2 dự án luật này trong đời sống xã hội nói chung, công tác bảo đảm an ninh trật tự nói riêng; xác định, chỉ ra các luận cứ khoa học, lý luận xác đáng của việc xây dựng 2 dự án luật; từ thực tiễn công tác, chiến đấu, phân công, phân cấp, quan hệ phối hợp của Công an các đơn vị, địa phương về công tác bảo đảm an ninh trật tự, bảo đảm trật tự an toàn giao thông; phân tích, làm rõ cơ sở thực tiễn, bài học kinh nghiệm và những vấn đề trọng tâm cần quan tâm, chú ý, phương hướng xây dựng, hoàn thiện 2 dự án luật; bổ sung các luận cứ, quan điểm về mặt lý luận, pháp lý… Đây sẽ là những ý kiến quan trọng góp phần làm rõ hơn về những vấn đề mà đại biểu Quốc hội và dư luận đang quan tâm trong nỗ lực chung nhằm góp sức xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật.    

Cũng trong ngày 10/3, Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức Tọa đàm luận cứ khoa học và thực tiễn của việc xây dựng dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.    

Chú thích ảnh
Đại tá Nguyễn Thanh Tuấn, Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: Tường Vi/TTXVN

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã tham gia thảo luận, phân tích và làm rõ sự cần thiết của việc xây dựng hai dự án luật này; vị trí, vai trò, tầm quan trọng của hai dự án luật trong đời sống xã hội nói chung, công tác bảo đảm an ninh, trật tự nói riêng; đồng thời từ thực tiễn công tác, công an các đơn vị, địa phương cũng trao đổi thông tin, phân tích, làm rõ cơ sở thực tiễn, những khó khăn, vướng mắc, bài học kinh nghiệm và những vấn đề trọng tâm cần được quan tâm, chú ý và đề xuất làm cơ sở cho việc xây dựng và hoàn thiện hai dự án luật.

Phó trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Tuấn Anh cho rằng, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 không quy định rõ cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, dẫn đến quá trình thực hiện thiếu nhất quán, nhất là giữa cơ quan quản lý nhà nước về an ninh, trật tự và cơ quan quản lý nhà nước về hạ tầng, kinh tế, kỹ thuật; việc phân cấp nhiệm vụ, quyền hạn cho chính quyền địa phương để gắn trách nhiệm, huy động nguồn lực còn hạn chế, chưa rõ ràng, dẫn đến việc tổ chức thực hiện của địa phương gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Vì vậy, cần thiết phải xây dựng và ban hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ tách biệt với Luật Giao thông đường bộ nhằm hoàn thiện các cơ chế, chính sách trong lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; tạo ra bước chuyển biến căn bản, bền vững trong việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông.    

Về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, Thượng tá Nguyễn Việt Phương, Trưởng Công an thị xã Hương Trà cho biết, lực lượng Công an xã bán chuyên trách, bảo vệ dân phố và dân phòng là lực lượng cần thiết, là "cánh tay nối dài" giúp Công an chính quy nắm bắt tình hình địa bàn. Đây là lực lượng quần chúng tự nguyện, dựa vào nhân dân hoạt động dưới sự giám sát của nhân dân, phát huy chức năng tổng hợp của nhân dân. Tuy nhiên, chế độ chính sách cho lực lượng này còn thấp, một số quy định còn thiếu hoặc chồng chéo làm giảm hiệu quả hoạt động của lực lượng này. Do vậy, để quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của lực lượng này trong thực tiễn, kiến nghị Quốc hội sớm hoàn thiện, ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.    

Chú thích ảnh
Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: Tường Vi/TTXVN

Theo Đại tá Nguyễn Thanh Tuấn, Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế, việc xây dựng hai dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, nhằm thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, hoàn thiện hệ thống pháp luật của Nhà nước, tạo cơ sở pháp lý để đảm bảo thực thi tốt hơn quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013, đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trong điều kiện xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế hiện nay.
 
Trên cơ sở tiếp thu đầy đủ, nghiên cứu kỹ lưỡng các ý kiến đóng góp của các đại biểu tại tọa đàm, Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ tổng hợp báo cáo, tham mưu lãnh đạo Bộ Công an chỉ đạo hoàn thiện hai dự án luật trên để kịp trình Quốc hội tại kỳ họp tới.

Nam Sương, Tường Vi (TTXVN)
Bổ sung dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022           
Bổ sung dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022           

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành Nghị quyết số: 16/2022/UBTVQH15 Điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN