Cáo trạng xác định, Nguyễn Văn Hưng là người ra quyết định thanh tra Ngân hàng SCB, có trách nhiệm chỉ đạo, giám sát nội dung hoạt động thanh tra của đoàn thanh tra tại Ngân hàng SCB. Tuy nhiên, trong quá trình thanh tra, Hưng đã chỉ đạo cấp dưới chỉnh báo cáo không trung thực, không đầy đủ về thực trạng yếu kém, những sai phạm của Ngân hàng SCB khiến Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ không có đủ thông tin, tài liệu để chỉ đạo xử lý các sai phạm của Ngân hàng SCB, ngăn chặn hành vi phạm tội của Trương Mỹ Lan, cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và đồng phạm.
Bào chữa cho Nguyễn Văn Hưng, luật sư Đỗ Ngọc Quang cho biết đến thời điểm hiện tại, lời khai của tất cả bị cáo khác trong đoàn thanh tra đều nói không nhận chỉ đạo từ Hưng mà là từ Đỗ Thị Nhàn, cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II (Cục II), Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước. Riêng Đỗ Thị Nhàn khai nhận chỉ đạo từ Nguyễn Văn Hưng rồi chỉ đạo lại cho cấp dưới nhưng chứng cứ đưa ra lại chưa rõ. Như vậy chưa có đủ căn cứ để chứng minh Hưng là người chủ mưu, cầm đầu trong việc điều chỉnh báo cáo sai sự thật.
Luật sư Quang cho biết thêm, nếu muốn xác định Nguyễn Văn Hưng là chủ mưu trong vụ việc điều chỉnh báo cáo thì phải có người giúp sức, đồng phạm nhưng đến nay vẫn chưa xác định được đối tượng giúp sức cho bị cáo. Theo luật sư, Đỗ Thị Nhàn không thể được xem là người giúp sức hay đồng phạm của Nguyễn Văn Hưng bởi Nhàn bị Viện Kiểm sát truy tố về tội “nhận hối lộ”, không cùng tội danh với Hưng.
Về việc Nguyễn Văn Hưng nhận 390.000 USD từ Ngân hàng SCB, luật sư cho rằng vì bị cáo sắp nghỉ hưu nên nghĩ đây là “quà” trước khi nghỉ hưu. Do Hưng trước đó không gặp gỡ, trao đổi với ai trong Tập đoàn Vạn Thịnh Phát nên không có mối liên hệ giữa việc nhận “quà” này với hành vi sai phạm của bị cáo.
Luật sư Quang cũng trình tòa đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho Nguyễn Văn Hưng được ký bởi hơn 100 cán bộ, công chức công tác tại Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước. Theo luật sư, Viện Kiểm sát đã ghi nhận bị cáo Hưng có 5 tình tiết giảm nhẹ nhưng mức án đề nghị vẫn quá nặng, đề nghị Hội đồng Xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
Trong phần tự bào chữa, Nguyễn Văn Hưng trình bày, với vai trò là Phó chánh Thanh tra, bị cáo không chủ động và không chỉ đạo sửa số liệu về thực trạng tại Ngân hàng SCB; không phụ trách đoàn thanh tra đi thanh tra mà chỉ là người ký quyết định thanh tra. Bị cáo mắc sai phạm là do tại thời điểm năm 2017 - 2018 bị giao khối lượng công việc quá lớn khiến bị quá tải. Ngoài việc phải phụ trách rất nhiều đối tượng thanh tra (bao gồm Ngân hàng SCB), bị cáo còn phải xây dựng đề án tái cơ cấu để xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020; sửa đổi bổ sung Luật Tổ chức tín dụng… Bị cáo cũng có phần chủ quan, không theo sát công việc vì tin tưởng vào cấp dưới là những cán bộ có năng lực, chuyên môn cao. Nguyễn Văn Hưng bày tỏ rất hối hận và mong nhận được sự khoan hồng của luật pháp.
Bị cáo Trần Văn Tuấn, cựu thanh tra viên Vụ Thanh tra giải quyết khiếu nại, tố cáo khối nội chính và kinh tế tổng hợp - Vụ II Thanh tra Chính phủ); đồng thời là Tổ trưởng Tổ thanh tra số 4 (đợt 1), thành viên Tổ 1 (đợt 2) bị Viện Kiểm sát đề nghị mức án 3 - 4 năm tù giam về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Trần Văn Tuấn bị cáo buộc đã nhận 6.000 USD và 40 triệu đồng từ Ngân hàng SCB để không báo cáo đúng, đủ, trung thực, khách quan về các sai phạm của Ngân hàng SCB về 18 khách hàng vay vốn tại dự án Chợ Vải; đồng thời, đồng ý thu hẹp phạm vi, thời kỳ thanh tra đối với nhóm 71 khách hàng địa chỉ tại số 4 Nguyễn Thị Minh Khai, Quận 3.
Bào chữa cho bị cáo Tuấn, luật sư Nguyễn Danh Huế cho rằng, người ký quyết định thanh tra là trưởng đoàn, còn Tuấn chỉ có vai trò mờ nhạt, là người làm công ăn lương. Trên thực tế, với vai trò là Tổ trưởng Tổ 4, Trần Văn Tuấn đã báo cáo khách quan, trung thực về dự án Chợ Vải đúng với tình trạng của Ngân hàng SCB thời điểm đó. Tuy nhiên, báo cáo của Tổ 4 đã bị Đoàn thanh tra cắt bỏ, loại đi nhiều kiến nghị, vậy nên để xảy ra sai phạm thì trách nhiệm đó thuộc về các bị cáo khác, còn bị cáo Tuấn cùng thành viên Tổ 4 đã thực hiện hết trách nhiệm của mình.
Về nhóm 71 khách hàng tại địa chỉ số 4 Nguyễn Thị Minh Khai, Trần Văn Tuấn đã cùng 2 thành viên khác đã rà soát hoạt động vay của nhóm khách hàng này. Trần Văn Tuấn còn đến trực tiếp địa chỉ trên để tìm hiểu thì phát hiện không có công ty nào được đặt ở địa chỉ này. Sau đó, bị cáo còn lên Cục Thuế để rà soát thông tin rồi báo cáo lại. Chính từ báo cáo rà soát này của bị cáo đã giúp Ngân hàng Nhà nước đánh giá trung thực được thực trạng của Ngân hàng SCB.
Trong phần tự bào chữa, Tuấn cho hay, bị cáo đã thật sự làm hết trách nhiệm trong công tác thanh tra, thậm chí còn đi xác minh thực tế tại các dự án. Bị cáo cũng chỉ tham gia thực chất trong giai đoạn 1, đến giai đoạn 2 thì gần như không có vai trò gì trong Tổ tổng hợp vì phải đi công tác nhiều địa phương khác nhau; các tổ thanh tra nộp trực tiếp báo cáo cho trưởng đoàn thanh tra. Trong suốt quá trình diễn ra phiên tòa, bị cáo đã thành khẩn khai báo, thừa nhận hành vi; nộp lại đủ 6.000 USD, 40 triệu đồng để khắc phục. Hiện nay, bị cáo tuổi đã cao, nhà còn mẹ già hơn 90 tuổi, mong Hội đồng xét xử căn cứ vào tình hình cụ thể để tuyên mức án phù hợp đối với bị cáo.