Đà Nẵng là thành phố đầu tiên trong cả nước đề ra chương trình "5 không" (không có hộ đói, không có người mù chữ, không có người lang thang xin ăn, không có người nghiện ma túy trong cộng đồng, không có giết người cướp của). Đến nay, thành phố cơ bản hoàn thành mục tiêu của chương trình và bổ sung thêm vào mục tiêu không có tệ nạn mại dâm. Đặc biệt, sau một năm triển khai thực hiện Chương trình hành động phòng, chống mại dâm 2011-2015, Đà Nẵng đạt được những kết quả khả quan.
Năm 2013, thành phố phát động phong trào quần chúng tham gia phòng, chống tệ nạn xã hội; nhân rộng mô hình "Xã, phường, tộc, họ, tổ dân phố không có tệ nạn xã hội", "Chi hội an toàn lành mạnh", "Hòm thư tố giác tội phạm và tệ nạn xã hội"... Từng ngành, từng đoàn thể, địa phương chủ động thực hiện lồng ghép chương trình phòng, chống ma túy, mại dâm; phòng, chống HIV/AIDS; phòng chống buôn bán phụ nữ, trẻ em; phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em với các chương trình giảm nghèo, dạy nghề, tạo việc làm.
Qua đó khai thác, tận dụng mọi nguồn lực để đấu tranh ngăn chặn tệ nạn xã hội và hỗ trợ tạo điều kiện cho người sau chữa bệnh được vay vốn, tạo việc làm, tham gia các hoạt động xã hội và phòng ngừa các nguy cơ tái phạm. Thành phố tăng cường các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nhằm ngăn chặn, phòng ngừa, giảm đối tượng tham gia mại dâm.
Thực hiện các chương trình giáo dục về giới trong các trường học; đào tạo kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên trong các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề và phổ thông; thường xuyên kiểm tra, thanh tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm dễ phát sinh tệ nạn mại dâm; duy trì, nhân rộng mô hình "Phòng ngừa phụ nữ có nguy cơ dẫn đến hoạt động mại dâm, hỗ trợ phụ nữ bán dâm tái hòa nhập cộng đồng và dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS" tại các phường trọng điểm về mại dâm trên địa bàn thành phố.
Văn Sơn