Chỉ tính riêng tại một đoạn rừng thông ba lá Quốc lộ 14 dài khoảng 30 km nối từ xã Cư Pơng (huyện Krông Búk) đến xã Ea Nam (huyện Ea H’Leo) đã có hàng trăm ha thông bị chặt phá. Nguyên nhân là do các địa phương buông lỏng công tác quản lý bảo vệ rừng, đồng bào các dân tộc “vô tư” chặt phá, lấn chiếm trái phép để lấy đất sản xuất, lập các khu dân cư.
Rừng thông ba lá phòng hộ Quốc lộ 14 (Đắk Lắk) bị đốt phá. Ảnh
|
Trước mắt, các huyện Ea H’Leo, Krông Búk đã thực hiện một số biện pháp tích cực trong công tác quản lý bảo vệ rừng nhằm cứu một số ít diện tích rừng thông còn sót lại. Huyện Krông Búk đã tiến hành cưỡng chế, buộc phá bỏ trên 16.000 cây công nghiệp các loại, 29 công trình xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp. Huyện Ea H’Leo cũng đã giao khoán lại cho các hộ gia đình sinh sống gần rừng thông, với các chế tài cụ thể và được chia lợi nhuận 0,2%/ năm sau khai thác, đồng thời, tiến hành quy hoạch xác định, cắm mốc rõ đường ranh giới giữa đất lâm nghiệp và đất nông nghiệp để thuận tiện trong công tác quản lý, bảo vệ rừng thông.
Rừng thông ba lá dọc Quốc lộ 14 đi qua 3 địa phương: huyện Ea H’Leo, Krông Búk và thị xã Buôn Hồ. Rừng thông này, trước đây do Liên hiệp lâm- nông- công nghiệp Ea Súp trồng từ năm 1986, với tổng diện tích trên 2.047 ha. Tỉnh Đắk Lắk quy hoạch, đây là rừng phòng hộ cho lưu vực Ea Súp ở phía Tây và lưu vực sông Ba ở phía Đông, đồng thời, là “lá phổi xanh” che bóng mát, tạo cảnh quan đẹp, có tác dụng phòng hộ chống sạt lở, sụt lún, xuống cấp cho Quốc lộ 14. Thế nhưng, đến nay, diện tích rừng thông ba lá này chỉ còn gần 273 ha, trong đó, huyện Krông Búk còn 129 ha, huyện Ea H’Leo còn 172,9 ha, riêng thị xã Buôn Hồ số lượng cây chỉ còn đếm trên đầu ngón tay...
Quang Huy