Đắk Lắk: Con gái “trấn” sổ đỏ của cha già và mẹ kế

Cách đây hơn 12 năm, ông Hoàng Chước (SN 1925) ở thôn 15, xã Ea Bar (huyện Buôn Đôn - Đắk Lắk) đã làm đủ các loại giấy tờ theo thủ tục nộp cơ quan chức năng để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) nhưng đến nay ông Chước vẫn không nhận được “sổ đỏ”. Vì sao ?

Năm 1978, từ vùng nội thị, ông Chước được chính quyền địa phương chuyển đến vùng kinh tế mới Cuôr Knia của thị xã Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) sinh sống (sau này được tách thành xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn). Tự tay mình ông Chước đã khai hoang một vùng đất rộng lớn để sản xuất kinh doanh. Khi các con trưởng thành ông đã chia cho người con lớn là Hoàng Thị Yến (SN 1952) 1.500 m2 làm nhà, 1.500 m2 làm lúa nước 2 vụ, Hoàng Thị Kim Anh (SN 1958) 7.000 m2 để sản xuất cây công nghiệp và hoa màu. Đối với người con trai Hoàng Mộng Tuyên (SN 1954) được ông cho 1 căn nhà tại phường Thành Công, TP Buôn Ma Thuột và 1 căn nhà tại xã Ea Bar (anh này đã bán cả hai căn nhà rồi vào TP Hồ Chí Minh sinh sống).

Sau khi chia đất và tài sản cho các con, ông Chước còn 2,2 ha đất để sản xuất. Trong đó có 1,9 ha trồng cà phê, hồ tiêu và làm căn nhà nhỏ để ở, diện tích còn lại đào ao thả cá và trồng cây ăn quả. Hàng năm, ông Chước nộp thuế đất đai đầy đủ theo quy định. Nhờ đầu tư chăm bón hợp lý, toàn bộ vườn cây phát triển khá tốt và cho thu nhập khá.

Ông Hoàng Chước đang đọc cho vợ (bà Cảnh) nghe đơn khiếu nại đòi lại “sổ đỏ”.

Từ năm 1998, ông Hoàng Chước đứng tên làm các loại giấy tờ về đất đai, nộp tiền lệ phí để làm “sổ đỏ”. Sau khi làm xong các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, huyện Buôn Đôn đã chuyển toàn bộ “sổ đỏ” về UBND xã Ea Bar để giao lại cho dân.

Lo ngại khi tuổi cao sức yếu, người cha lâm chung, toàn bộ đất đai vườn cây rơi vào tay người mẹ kế trẻ tuổi Nguyễn Thị Cảnh (SN 19) và em gái nhỏ Hoàng Thị Thùy Dương (SN 1999), hai người con gái lớn của ông Chước là Yến và Anh tìm mọi cách giành đất đai và tài sản của người cha. Do có sự thông đồng từ trước, sau khi nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên Hoàng Chước từ huyện Buôn Đôn chuyển về, cán bộ địa chính xã Ea Bar đã giao 2 cuốn “sổ đỏ” cho Hoàng Thị Yến. Suốt thời gian dài, vợ chồng ông Chước nhiều lần đến UBND xã Ea Bar hỏi nhận “sổ đỏ” thì cán bộ địa chính xã trả lời không có. Mãi đến đầu năm 2011, UBND xã Ea Bar mới cho biết, từ lâu cán bộ địa chính đã giao “sổ đỏ” mang tên Hoàng Chước cho con gái ông là Hoàng Thị Yến. Quá bức xúc vì sự việc trên, ông Chước làm đơn khiếu nại gửi UBND xã Ea Bar và các cơ quan chức năng đòi lại “sổ đỏ”. Chủ tịch UBND xã Ea Bar, ông Trần Văn Toàn cho biết: “Việc cán bộ giao “sổ đỏ” của ông Hoàng Chước cho con gái Hoàng Thị Yến là sai; UBND xã Ea Bar sẽ lấy “sổ đỏ” từ chị Yến để giao lại cho ông Chước, hoặc có thể sẽ hủy “sổ đỏ” cũ, làm lại thủ tục giấy tờ để giao “sổ đỏ” mới cho ông Hoàng Chước là chủ sở hữu hợp pháp”. Tuy vậy, khi mời ông Chước đến làm việc, thì cán bộ xã có thái độ chèn ép, gây khó khăn cho ông và bao che hành vi sai trái của chị Yến. Điều thật đơn giản là, việc ông Chước chỉ đòi hỏi lấy “sổ đỏ”, nhưng khi làm việc cán bộ xã lại cố tình tạo ra sự bất đồng phức tạp trong quan hệ giữa hai cha con. Với đòi hỏi chính đáng của ông Chước là nhận “sổ đỏ” nhưng xã cố tình không giải quyết. Để lảng tránh trách nhiệm của mình, UBND xã Ea Bar đã chuyển những yêu cầu của ông Chước lên Tòa án Nhân dân huyện Buôn Đôn để xử lý với nội dung hoàn toàn khác do cán bộ xã đạo diễn là tranh chấp tài sản giữa cha và con.

Điều đáng nói rằng, trong cuộc sống hàng ngày, cả hai người con gái lớn của ông Chước không hề quan tâm đến ông bố già và người mẹ kế; đồng thời tìm mọi cách để chiếm đoạt tài sản. Đã có lần, chị Yến và chị Anh hành hung và làm nhục bà Cảnh ngay tại chợ Ea Bar. Rồi đến lượt, chị Anh và con trai mình là Nguyễn Hoàng Hùng (SN 1982) đón đường đập nát xe máy, đánh vợ chồng ông Chước, bà Cảnh và ném con gái của ông bà là Hoàng Thị Thùy Dương xuống ao. Ngày 1/6/2011, cả hai chị em Yến, Anh cùng Nguyễn Hoàng Hùng (cháu ngoại ông Chước) đã mang hung khí đến nhà ông Chước tại thôn 15, xã Ea Bar rượt đuổi đánh bố và mẹ kế; đồng thời phá hoại tài sản; gây rối trật tự. Do có sự can thiệp của Cảnh sát 113 của tỉnh Đắk Lắk cùng công an xã, trong buổi chiều và đêm hôm đó, tình hình trật tự đã được thiết lập. Sau khi sự việc trên xảy ra trong nhiều ngày liền, vợ chồng ông Chước, bà Cảnh nơm nớp lo sợ không dám rời khỏi nhà và ra ngoài đường vì sợ các con gái và cháu ngoại đánh.

Mòn mỏi trong nhiều năm một ông già gần 90 tuổi đi đòi “sổ đỏ” đang làm nóng lên dư luận bức xúc ở xã Ea Bar. Nhiều người đặt câu hỏi, việc cấp “sổ đỏ” cho mọi người dân có nhu cầu về quản lý và sử dụng đất đai là trách nhiệm địa phương phải làm, tại sao cán bộ xã Ea Bar lại lẩn tránh và bao che cho kẻ có ý đồ chiếm đoạt tài sản? Từ một sự việc đơn giản, cán bộ xã Ea Bar cố tình làm phức tạp thêm và thực hiện mọi cách để bao che cho những đứa con bất hiếu, cố ý vi phạm pháp luật.

Nguyễn Tiên Tri

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN