Đắk Lắk: Tính chất của các vụ khai thác tài nguyên rừng trái phép ngày càng nghiêm trọng

Từ đầu năm đến nay, các cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk đã phát hiện, xử lý 1.093 vụ vi phạm lâm luật (giảm hơn 13% so với năm 2016). Tuy nhiên, mức độ, tính chất, hành vi vi phạm của các vụ nghiêm trọng hơn.

Mới đây, theo phản ánh của quần chúng, các đối tượng đã rầm rộ khai thác gỗ trái phép tại lô 3, khoảnh 3, lô 12, khoảnh 4, Tiểu khu 22 thuộc lâm phần của Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Chư Phả nằm trên địa bàn xã Ea H’leo, huyện Ea H’leo.

Rừng phòng hộ đầu nguồn thuộc tiểu khu 323, xã Ea Tam, huyện Krông Năng, Đắk Lắk bị chặt phá, lấn chiếm trong thời gian dài. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Qua kiểm tra tại hiện trường, các đơn vị chức năng đo đếm được 126 lóng gỗ, gỗ hộp thuộc nhóm III đến nhóm VIII, với khối lượng trên 45 mét khối. Đây là một trong những vụ khai thác gỗ rừng tự nhiên trái phép lớn xảy ra trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk kể từ sau khi Thủ tướng Chính phủ có lệnh đóng cửa rừng.

Theo đánh giá của UBND tỉnh Đắk Lắk, tình trạng phá rừng, khai thác gỗ, lấn chiếm đất rừng trái phép tiếp tục diễn ra khá phức tạp, nhất là các địa phương có nhiều dân di cư ngoài kế hoạch nhưng chưa thực hiện được quy hoạch ổn định dân cư; tập trung nhiều nhất ở các huyện Ea Súp, Cư M’gar, Krông Bông, Krông Năng, Ea H’leo.

Trách nhiệm của chủ rừng một số nơi chưa rõ ràng, nhiều nơi rừng không có chủ, tình trạng vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ rừng chưa được ngăn chặn; trách nhiệm của lực lượng quản lý bảo vệ rừng chưa cao, có tình trạng buông lỏng quản lý... Trong quá trình chuyển đổi từ Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên lâm nghiệp sang Công ty trách nhiệm hữu hạn Hai thành viên lâm nghiệp, một số đơn vị có biểu hiện buông lỏng, không triển khai các biện pháp quyết liệt để bảo vệ rừng…

UBND tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo các huyện, chủ yếu là các huyện có diện tích rừng cụ thể hóa nhiệm vụ quản lý Nhà nước về rừng, đất lâm nghiệp để phân giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, chính quyền cấp xã tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, đất rừng. Tỉnh tiếp tục thành lập, duy trì thường xuyên các đoàn kiểm tra liên ngành để xử lý vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng tại các địa bàn, kiên quyết không để xảy ra các điểm nóng về phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp.

Địa phương, đơn vị nào trên địa bàn để xảy ra vi phạm tài nguyên rừng, đất lâm nghiệp mà không có biện pháp ngăn chặn, xử lý hữu hiệu, không kịp thời báo cáo kiến nghị cấp trên để xử lý, tùy vào mức độ sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định. Tỉnh chỉ đạo các đơn vị chức năng nhanh chóng điều tra, xử lý nghiêm các vụ chặt phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép nhằm răn đe các đối tượng có hành vi xâm hại đến rừng, đất rừng…


Quang Huy (TTXVN)
UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo xử lý nghiêm vụ phá rừng trái phép ở huyện Ea H’leo
UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo xử lý nghiêm vụ phá rừng trái phép ở huyện Ea H’leo

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Hải Ninh đã chỉ đạo các đơn vị chức năng huyện Ea H’leo lập chuyên án điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng khai thác rừng trái phép trên địa bàn huyện Ea H’leo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN