Bán dâm là bán ‘nhân phẩm’
Vừa qua, hai trong 4 cô gái bị cảnh sát bắt quả tang đang bán dâm với giá 1.500-7.000 USD là T.D và C.V, một người từng đoạt danh hiệu Á hậu trong một cuộc thi sắc đẹp, một người là diễn viên trẻ kiêm MC. Ngay sau đó, hình ảnh, clip những "người trong cuộc" (che mờ mặt) được đăng tải rất nhiều trên các phương tiện đại chúng. Vậy, việc cơ quan công an thông tin về vụ án, tên, tuổi của những cô gái bán dâm này có vi phạm luật, ảnh hưởng đến quyền riêng tư cũng như cuộc sống của họ sau này bởi đây chỉ là hành vi vi phạm hành chính.
Trao đổi vấn đề này, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng: đây là vụ án hình sự. Những cô gái bán dâm bị bắt đều là những người nằm trong đường dây và có liên quan. Việc những người có bị có bị xử lý hình sự hay không thì còn phải điều tra làm rõ vì thực tế nhiều người bán dâm kiêm làm môi giới mại dâm luôn.
“Nếu những người đẹp này có kêu gọi thêm những cô gái khác tham gia đường dây bán dâm và thu, hưởng tiền chênh lệch thì sẽ bị xử lý hình sự về hành vi Môi giới mại dâm”, luật sư Thơm nói.
Theo Văn phòng luật sư Nguyễn Anh, việc cơ quan công an cung cấp thông tin, hình ảnh của những người đẹp bán dâm là nhiệm vụ của lực lượng trong việc thực thi pháp luật và đấu tranh phòng chống các loại tội phạm. Để thực hiện mục tiêu tuyên truyền, phổ biến pháp luật thì việc công khai minh bạch chuyên án, vụ án không có vấn đề gì. Tất cả nhằm răn đe, phòng ngừa và cảnh báo chung về tình trạng suy thoái đạo đức xã hội.
Luật sư Thơm nhấn mạnh: Việc đăng tải thông tin, hình ảnh của những người có hành vi tội phạm và những người vi phạm pháp luật nhằm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật chứ không phải bôi nhọ, làm ảnh hưởng đến quyền riêng tư của họ. Bởi chính bản thân họ đã là những người bất chấp đạo đức xã hội, làm nghề pháp luật chưa thừa nhận, họ thừa biết việc làm này suy thoái về văn hoá, đạo đức nhưng vẫn vì tiền mà bán rẻ đạo đức, nhân phẩm của mình.
"Nếu họ không có lỗi mà đưa hình ảnh, thông tin lên mạng nhằm bôi nhọ thì có thể xử lý hình sự về hành vi này, nhưng đây là các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật nên việc đăng ảnh này không phải phạm pháp", đại diện Văn phòng luật sư Nguyễn Anh nói.
Mức xử phạt bán dâm “đánh đồng” chưa đủ sức răn đe
Tại Điều 23 Nghị định 167/2013/NĐ-CP liên quan đến hành vi bán dâm, người bán dâm bị xử phạt hành chính như: bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000-300.000 đồng đối với hành vi bán dâm; phạt tiền từ 300.000-500.000 đồng trong trường hợp bán dâm cho nhiều người cùng một lúc.
Ngoài ra, tại Điều 23 Pháp lệnh phòng chống mại dâm 2003, quy định, người bán dâm, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính, bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc đưa vào cơ sở chữa bệnh. Người bán dâm là người nước ngoài thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính bằng hình thức cảnh cáo, phạt tiền, trục xuất.
Người bán dâm biết mình bị nhiễm HIV mà cố ý lây truyền bệnh cho người khác thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Đề cập tới mức xử phạt trên còn quá nhẹ, Luật sư Tâm An nhấn mạnh: “Về chế tài phạt tiền, quy định hiện nay đánh đồng một mức xem ra chưa đủ sức răn đe. Không phải dư luận không có lý khi ngạc nhiên trước mức phạt, cao nhất là 500.000 đồng đối với một người bán dâm kiểu "tranh thủ lúc nông nhàn", diễn ra chóng vánh với mức phạt của một á khôi, người mẫu được tổ chức quy mô chặt chẽ, tinh vi và có "giá ngạch" cao gấp hàng trăm lần như tổ chức các ‘sex tours’ dài ngày”.
Tuy nhiên xét về góc độ tâm lý về dịch vụ mại dâm vẫn đang tồn tại dù chui lủi, luật gia Tâm An cũng cho rằng: Xét về khía cạnh sức khỏe, con người nếu không được giải quyết nhu cầu sinh lý phù hợp sẽ suy giảm khả năng tập trung. Hơn nữa trong xã hội, không hiếm người sống độc thân, hoặc có gia đình nhưng vì hoàn cảnh nào đó, làm ăn xa nhà lâu ngày...nếu không được đáp ứng nhu cầu sinh lý căn bản sẽ dễ nảy sinh ý định dẫn đến hành vi phạm pháp (hiếp, cưỡng dâm...).
“Việc ‘nới lỏng’ cho mại dâm cũng phần nào có tác động đến tâm lý du khách, xuất phát từ tâm lý "hám của lạ" của một số du khách nước ngoài”, luật gia Tâm An nói.
Còn về mặt hại nếu để tệ nạn mại dâm “nở rộ”, theo luật sư An, sẽ ảnh hưởng đến thuần phong, mỹ tục và văn hóa truyền thống, nguy cơ lây lan bệnh truyền nhiễm, mất an ninh trật tự...
Vì vậy nhiều ý kiến cho rằng: Trong lúc đang loay hoay tìm ra phương án ứng xử tối ưu với hoạt động mại dâm, trước khi có được một hành lang pháp lý đầy đủ và hiệu lực, nên chăng các cơ quan hữu quan cần phối hợp đồng bộ để giảm thiểu tối đa tác hại do mại dâm gây ra cho xã hội.
“Hiện nay, chúng ta chưa phân hoá chủ thể để xử lý nên tác dụng răn đe hầu như không hiệu quả. Cụ thể, với người bán dâm cách thức và mức xử lý với mọi đối tượng là như nhau, dù họ có đặc điểm hết sức khác nhau. Vì thế, cần phải phân loại để có giải pháp thich hợp. Nếu đối tượng là cán bộ công chức mua dâm cần phải kết hợp với cơ quan đơn vị quản lý họ để có chế tài về mặt tổ chức, nhân sự và ghi vào lý lịch để theo dõi, tránh tái phạm.
Còn đối với những đối tượng có danh hiệu hay ngôi vị từng được các cơ quan nhà nước hay tổ chức xã hội uy tín công nhận (ví dụ hoa hậu, á khôi...) phát hiện có hành vi mua bán dâm, cần phải thu hồi lại các danh hiệu đó và công bố trong phạm vi nhất định, tùy trường hợp cụ thể. Luật gia Đặng Văn Thành, Đoàn luật sư TP Hà Nội nói.