Vĩnh Phúc:

Đất đai bị lấn chiếm, xã phường làm ngơ

Vấn đề lấn chiếm đất công trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đang trở thành niềm bức xúc của nhiều người dân trong những năm gần đây nhưng tỉnh chưa có biện pháp đủ sức răn đe, ngăn chặn hiệu quả.

 

Điều này khiến cho việc lấn chiếm đất đai đã và đang xảy ra ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Tại nhiều cuộc tiếp xúc cử tri, hội nghị lớn của tỉnh, không ít đại biểu đã thẳng thắn cho rằng việc lấn chiếm đất công chắc chắn có sự làm ngơ, bao che và tiếp tay của cán bộ ngành chức năng và nhất là lãnh đạo cơ sở bởi đất đai không phải là đồ vật nhỏ như cây kim, sợi chỉ mà không thể phát hiện được(!?).

 

Dạo quanh hồ Đại Lải, thuộc xã Ngọc Thanh, thị xã Phúc Yên, có nhiều xe chở đất san lấp ở vùng hồ này. Một số nơi đất mới đem từ nơi khác về đổ tràn lan dọc bờ hồ và ra mặt nước hồ Đại Lải. Theo người dân địa phương, xung quanh hồ có một số khu vực vào mùa khô, khi nước rút thì đó là các bãi đất trống. Các bãi đất bán ngập ở đây cận kề hồ nước, cảnh quan đẹp nên có rất nhiều người "mơ ước". Đây cũng nơi "nhòm ngó" của nhiều hộ gia đình kinh doanh dịch vụ nhà nghỉ và có cả các doanh nghiệp đặt vấn đề xin đất để xây dựng nhà hàng, khách sạn, kinh doanh bất động sản...

 

Những năm gần đây, Vĩnh Phúc đã cho phép một số doanh nghiệp cải tạo vùng bán ngập nước của hồ Đại Lải để kinh doanh. Tuy vậy, có không ít trường hợp đã lợi dụng đổ đất tràn xuống lòng hồ, vượt xa chỉ giới đã xác định cho phép của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương. Khi tiếp cận với UBND xã Ngọc Thanh, lãnh đạo xã này đã không ngần ngại cho biết: đây là đự án cấp trên quyết định, phê duyệt, diện tích ra sao cán bộ của xã cũng không hề hay biết và không được kiểm tra.

 

Tương tự tại phường Phúc Thắng, thị xã Phúc Yên cũng xảy ra tình trạng xâm lấn đất công khá phức tạp. Riêng 6 tháng đầu năm 2012 đã có 14 trường hợp lấn chiếm với 1120.0m2 chủ yếu là đất ao, đất chuyên dụng và đất ruộng canh tác. Phần lớn các hộ gia đình, cá nhân lấn đất để làm nhà ở, quán bán hàng, cải tại thành ao, vườn sử dụng cho hộ gia đình trái phép.

 

Theo báo cáo sơ bộ của Sở Tài nguyên Môi trường Vĩnh Phúc, việc xâm lấn đất đai diễn ra phức tạp ở hầu hết các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Kiểm tra 100/137 xã, phường, thị trấn trên địa bàn Vĩnh Phúc, hiện đã có tới 2.889 trường hợp vi phạm đất đai với tổng diện tích 6.349 m2. Trong đó có 1.317 hộ tự ý xây nhà, xưởng trên đất nông nghiệp với diện tích hơn 447.405 m2; 1.069 hộ lấn chiếm đất công do chính quyền đang quản lý để xây dựng nhà ở, quán bán hàng là chủ yếu với diện tích 156.027 m2...

 

Tại các xã Đồng Văn và xã Tề Lỗ cùng ở huyện Yên Lạc là những nơi điển hình nhất về tình trạng lấn chiếm đất công. Tại xã Đồng Văn có 96 trường hợp vi phạm lấn chiếm đất công ở chủ yếu ven đường để xây dựng nhà ở, bãi chứa nguyên liệu, bãi phá xe ô tố hết niên hạn sử dụng để bán cho các lò luyện thép... với diện tích 28.855 m2. Thời điểm lấn chiếm đất của người dân xã Đồng Văn được xác định chủ yếu từ năm 2006 đến nay. Xã Tề Lỗ có diện tích đất bị lấn chiếm lên tới .012 m2, hầu hết các hộ lấn chiếm đất công ở đây cũng để xây dựng nhà ở, san lấp mặt bằng để kinh doanh.

 

Mới đây, Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc ban hành một Nghị quyết về tăng cường việc thực hiện chính sách pháp luật quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh, trong đó có nêu công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của tỉnh chưa sát thực tế, chất lượng quy hoạch chưa cao; một số dự án vi phạm về quy hoạch, xây dựng không có chứng chỉ quy hoạch, không có hoặc không đúng giấy phép xây dựng; tình trạng lấn chiếm, sử dụng vượt diện tích giao, sử dụng không đúng mục đích diễn ra phổ biến ở cơ sở; các tổ chức, cá nhân chuyển nhượng mua bán trái phép diễn ra phức tạp, giao dịch ngầm chưa đúng trình tự thủ tục và đối tượng còn nhiều, chuyển nhượng sai mục đích sử dụng chưa kiểm soát được.

 

Người dân đang đặt câu hỏi, vì sao cán bộ lãnh đạo xã, phường, thị trấn làm ngơ cho việc lấn chiếm đất đai nhiều năm mà vẫn không bị xử lý? Vấn đề phạt nhẹ, xử lý hành chính qua loa và không quyết liệt bắt đối tượng xâm lấn đất trái phép trả lại đất cho chính quyền đã gây những bức xúc trong cộng đồng, ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội ở nhiều địa phương trên địa bàn... cần sớm tập trung giải quyết.

 

 

Nguyễn Trọng Lịch

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN