Trong khi cái Tết đang đến gần, nhưng người dân xã Tam Xuân 1 và Tam Xuân 2, huyện Núi Thành, Quảng Nam lại phải lo sốt vó vì vụ vỡ hụi chấn động nơi đây. Số lượng người bị lừa chơi hụi lên tới con số hàng trăm, người bị lừa ít nhất là vài chục triệu đồng.
Giọt nước mắt chiều cuối năm
Chúng tôi tìm về xã Tam Xuân 1, nơi xảy ra sự việc để tìm hiểu. Trong cái lạnh giá của mùa đông với những cơn mưa nặng hạt, hàng trăm người dân vẫn còn bàn tán xôn xao về vụ vỡ hụi, và chủ nợ đã ôm tiền bỏ trốn mấy ngày nay. Những chủ nợ là người già, là những nông dân tay lấm chân bùn và cả những giáo viên trường làng vì nghe lời dụ dỗ ngon ngọt của vợ chồng chủ hụi là bà Trần Thị Huệ (40 tuổi, thôn 7, xã Tam Xuân 1) mà đến nỗi phải trắng tay. Nhiều người là chủ nợ mấy ngày nay vẫn đang thất thần vì số tiền bị mất, từng phút từng giờ mong ngóng tin tức của con nợ mà giờ đã cao chạy xa bay. “Bà con tui ở đây nào ai giàu có chi mô, suốt ngày chỉ biết buôn thúng bán bưng, chắt chiu dành dụm được ít tiền từ con heo, con gà, để mong cuối năm kiếm chút lãi lo mua sách vở, quần áo cho mấy đứa nhỏ và lo cái Tết cho tươm tất. Ai biết hắn như vầy...” , bà Sáu Nghĩa, một tiểu thương ở chợ Phú Trung, Tam Xuân 1 cho biết.
Một nạn nhân đang kể lại sự việc. |
Không riêng gì bà Sáu Nghĩa, mà hàng trăm người phụ nữ khác nơi làng quê nghèo khó này hiện đang là nạn nhân của vụ vỡ hụi cách đây mấy ngày kể từ khi chủ hụi là vợ chồng bà Trần Thị Huệ bỏ nhà trốn khỏi địa phương. Khi chúng tôi đang trò chuyện với các tiểu thương, một cụ già lò dò chống gậy đến, nước mắt lưng tròng: “Tui có được ít tiền dành mua cỗ quan tài, không hiểu lúc nớ hắn dỗ ngon ngọt thế nào mà tui móc ra đưa hắn hết. Chừ hắn chạy rồi, tôi biết răng mà lấy lại được đây!”. Mọi người cho biết, bà cụ này mấy năm trước khi còn khỏe mạnh, vì không muốn con cái lo cho mình khi nằm xuống, nên có dành dụm được ít tiền nhờ nuôi con gà, con heo rồi bán đi, có được chừng hơn 10 triệu đồng, không dám ăn, dám mặc, giữ lại để phòng thân lúc đau ốm, nằm xuống. Vậy mà, “Ai ngờ nó lừa cả những người già như tui. Thật thất đức chú ơi...”, bà lão vừa nói vừa mếu máo.
Nhiều tiểu thương tại chợ Phú Trung mấy ngày nay vẫn chưa hết bàng hoàng vì vợ chồng Huệ bỏ trốn. |
Cô giáo Nguyễn Thị Lan, một nạn nhân khác của vợ chồng bà Huệ kể: “Lúc ấy thấy bà Huệ thân mật chị em rất ngon ngọt, tui cũng nghĩ có chút gì đó để dành đến Tết lo cho gia đình cũng đỡ lo nên cũng cố gom góp đưa cho bả. Ai dè giờ bả cao chạy xa bay rồi. Tui không biết phải nói thế nào với gia đình nữa đây.” Lương giáo viên hợp đồng của cô Lan mỗi tháng được 1,8 triệu đồng. Hằng tháng cô Lan giấu gia đình để chơi hụi chừng 600 ngàn đồng, gần 4 năm qua số tiền lời lãi cũng ước chừng lên đến hơn 30 triệu đồng. Cô tính cuối năm hốt hụi rồi có tiền để sửa lại mái nhà dột nát, lo cho gia đình có được một cái Tết tươm tất. Nhưng rồi niềm mong muốn giản đơn ấy đã vụt bay theo những buớc chân trốn chạy của vợ chồng bà Huệ. Cô Lan cũng cho biết, có nhiều giáo viên đang dạy học tại làng quê này cũng tằn tiện chắt bóp góp tiền cho bà Huệ. Khi hay tin, nhiều cô đến lớp mà người thẫn thờ, không còn tha thiết với việc dạy học nữa.
Tại chợ Ông Nhơn, nơi gần với cửa hàng tạp hóa và xưởng may gia công của vợ chồng bà Huệ, nhiều tiểu thương trong chợ mấy ngày nay đã nghỉ bán vì bao nhiêu vốn liếng đã dồn lại đưa hết cho vợ chồng bà Huệ. Khi chúng tôi hỏi thăm xem có nhiều người bị bà Huệ lừa hay không, một người đàn ông chuyên bỏ mối thịt heo trong chợ nói gay gắt: “Các chú cứ vô trong chợ là biết. Ở đây có ai không bị bả lừa đâu!”. Bên trong chợ, các hàng thịt, rau sống, trái cây... tất cả đều bỏ trống mấy ngày nay. Còn chủ hàng thì chạy đôn chạy đáo vừa tìm con nợ, vừa tìm cách vay mượn vốn để buôn bán lại và trang trải những khoản nợ nần ngày cận Tết. Nhiều người bán hàng còn lại đứng khóc ròng, chẳng muốn buôn bán, mặc dù là những ngày cuối năm. Bà Lâm bán rau ở chợ Ông Nhơn âu sầu kể: “Chị em tui thấy nó hiền hậu, ăn nói nhỏ nhẹ, nhà lại khá giả nên tin, gom góp đưa tiền cho nó cũng mong kiếm chút tiền lãi. Ai ngờ, nó ôm cả cục tiền của bà con cùng chồng con bỏ trốn, để lại chúng tôi sống dở chết dở thế này. Ở chợ này, người buôn bán đều là bà con nông dân. Những người già như tôi, tranh thủ lúc nông nhàn mua mấy chục trứng vịt ra bán kiếm thêm vài đồng mua thức ăn.
Thấy nó hiền hậu, rủ rê chơi hụi, biết nhà nó ở gần chợ nên tin, đóng hụi cho nó được 10 triệu đồng, bán đàn heo con được 11 triệu đồng cũng đưa cho nó vay. Không ngờ vợ chồng nó bỏ trốn khỏi địa phương, ôm theo của tui 21 triệu đồng. Nó không về trả chắc tui chết quá chú ơi...", khi hay tin vợ chồng bà Huệ bỏ trốn, nhiều người đã nằm lăn ra khóc lóc thảm thiết. Hàng trăm người dân đã bắt đầu làm đơn trình báo gửi cơ quan Công an xã Tam Xuân 1 nhờ can thiệp.
Chân dung con nợ
Thống kê sơ bộ ban đầu, số tiền mà vợ chồng chủ hụi vay mượn của bà con nông dân trong khu vực và tiểu thương trên địa bàn lên đến nhiều tỷ đồng. Người mà Huệ "ôm" tiền nhiều nhất là chị Linh (bán thịt), 200 triệu đồng. Biết vợ chồng Huệ bỏ trốn, chị Linh nghỉ bán thịt ở chợ mấy ngày nay. Ngoài ra, danh sách nạn nhân của Huệ còn có chị Vân cho Huệ vay hơn 100 triệu đồng; bà Hà bán rau sống 50 triệu đồng; bà Phòng 40 triệu đồng; bà Tươi bán trứng vịt lộn 10 triệu đồng; bà Hương 15 triệu đồng. Một đại lý kinh doanh tạp hóa cũng bị Huệ vay một số tiền lớn…
Cửa hàng tạp hóa của vợ chồng Huệ đã trống trơn. |
Theo tìm hiểu của chúng tôi, vợ chồng bà Huệ vốn là nông dân chân lấm tay bùn bao năm qua, nhưng thấy cuộc sống suốt ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho trời mà vẫn chẳng thấy dư dả, vợ chồng Huệ liền bàn với nhau tìm cách đi buôn. Ban đầu là đi buôn công trái của các hộ dân quanh xã, có được một số tiền nho nhỏ, vợ chồng Huệ bắt đầu chuyển qua kinh doanh hàng may mặc chuyển từ TP Hồ Chí Minh ra, bán lại cho bà con nông dân nghèo ở đây. Sau một thời gian làm ăn khấm khá, vợ chồng Huệ quyết định vay mượn thêm mở một cửa hiệu tạp hóa và một cơ sở may gia công tại thôn Phú Trung, Tam Xuân 1, huyện Núi Thành (cách đây khoảng 3 năm). Từ đó đến nay, bằng lời lẽ ngon ngọt, cùng với sự “ăn nên làm ra” của vợ chồng Huệ, rất nhiều người dân nghèo khó ở đây đã đưa tiền cho huệ, mong có được phần lời lãi. Nào ngờ vợ chồng Huệ ôm tiền bỏ trốn.
Ngôi nhà của vợ chồng Huệ. |
Mấy ngày trước khi biết tin vợ chồng Huệ trốn khỏi địa phương, nhiều người dân đã thấy Huệ thuê 2 xe container chở hàng đi vào phía Nam, nhưng đã bị Công an huyện Núi Thành tạm giữ vì không có đủ giấy tờ cần thiết. Trong khi đó, một người hàng xóm bên cạnh nhà vợ chồng bà Huệ cho biết: “Mấy ngày trước khi vợ chồng Huệ bỏ trốn, nhiều người đã đến nhà Huệ hốt hụi thì đều được Huệ hứa hẹn sẽ trả trước Tết vì giờ tiền bạc của Huệ đều nằm trong các chuyến hàng, đợi đến Tết sẽ được Huệ trả nhiều hơn nên mọi người tin tưởng. Mấy ngày sau họ đến thì mới tá hỏa khi thấy nhà cửa trống trơn, cả cửa hàng tạp hóa lẫn xưởng may gia công cũng vậy. Lúc đó mọi nguời mới biết bị Huệ lừa thì đã muộn!”.
Xưởng may gia công của Huệ có thuê 5 người làm, hai tháng vừa rồi những người làm thuê này chưa nhận được một đồng lương nào. Trong khi huệ hứa hẹn sẽ trả cho mỗi người 3,7 triệu đồng/tháng vì cuối năm hàng nhiều, phải làm thêm buổi tối. Nhưng họ chưa kịp nhận tiền công thì...
Công an xã Tam Xuân 1 cho biết: “Hiện tại cơ quan chức năng đang tiếp nhận hồ sơ và đơn tố cáo của những người bị hại. Chúng tôi đã báo cáo sự việc lên Công an huyện Núi Thành để tìm hiểu và xử lý sự việc!”. Nạn nhân trong vụ này đều là người già, bà con nông dân buôn bán nhỏ lẻ ở chợ Ông Nhơn và giáo viên địa phương, cuộc sống của họ vốn đã vô cùng khốn khó. Số tiền buôn bán nhỏ lẻ, tích góp, chắt chiu từng đồng mong có một cái Tết Nhâm Thìn đầy đủ, vui vẻ, hạnh phúc của bà con tiểu thương. Nhưng xem ra niềm vui ấy đã tan vỡ theo bước chân của vợ chồng Trần Thị Huệ.
Bùi Hữu Cường