Ngày 23/4, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội tiếp tục xét xử công khai vụ án Dương Chí Dũng và các bị cáo bị Tòa án cấp sơ thẩm kết án về tội “Tham ô tài sản”, “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).
Cảnh sát dẫn giải bị cáo Trần Hải Sơn, nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines sau khi phiên tòa kết thúc ngày làm việc thứ hai. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN |
Trong buổi xét xử sáng 23/4 của phiên tòa phúc thẩm, Hội đồng xét xử phúc thẩm tiếp tục tiến hành phần xét hỏi các bị cáo; hỏi đại diện nguyên đơn dân sự Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam, đại diện Bộ Giao thông vận tải, Giám định viên để làm rõ hành vi phạm tội của các bị cáo.
Trả lời những câu hỏi của Hội đồng xét xử, bị cáo Mai Văn Khang khẳng định có mặt thực tế kiểm tra tại ụ nổi và sau một ngày ông Goh Hoon Seow, Giám đốc Công ty AP (Singapore) có mặt tại Việt Nam, bị cáo đã gặp ông Goh. Cũng theo bị cáo Khang, trước khi đoàn khảo sát đi Nga, Mai Văn Phúc chỉ đạo ký hợp đồng với một cơ quan giám định độc lập, vì có đăng kiểm viên nhưng không đủ điền kiện giám định kỹ thuật ụ nổi.
Cũng trong buổi xét xử phúc thẩm sáng 23/4, Hội đồng xét xử đã dành phần lớn thời gian cho các luật sư hỏi 9 bị cáo, những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, đại diện Bộ Giao thông vận tải, Giám định viên để làm căn cứ bào chữa cho các bị cáo.
Tại phiên tòa, hầu hết các luật sư đều cho rằng ụ nổi không phải là tàu biển để xác định hành vi của những bị cáo không vi phạm các quy định về tổ chức đấu thầu, thanh toán, thông quan Ụ nổi 83M. Đồng thời, một số luật sư còn đưa ra những tài liệu cho là chứng cứ mới để xác định trách nhiệm cũng như vai trò của các bị cáo trong vụ án; tập trung vào các chứng cứ để xác định các bị cáo có hành vi tham ô 1,666 triệu USD trong việc thực hiện dự án mua Ụ nổi 83M.
Trong phần xét xử chiều 23/4, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo kêu oan, xin giảm nhẹ hình phạt và giữ nguyên tội danh, hình phạt đối với các bị cáo: Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc, Trần Hải Sơn, Trần Hữu Chiều, Mai Văn Khang; xem xét tăng bồi thường đối với bị cáo Dương Chí Dũng. Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị chấp nhận kháng cáo, giảm hình phạt và giảm bồi thường cho 4 bị cáo: Lê Văn Dương, Huỳnh Hữu Đức, Lê Ngọc Triện, Lê Văn Lừng, vì có tình tiết giảm nhẹ mới là thành khẩn nhận tội; không chấp nhận kháng cáo của bà Ngô Thị Vân về kê biên tài sản; xem xét lại phần kê biên tài sản của bà Phạm Thị Mai Phương và Phan Thị Thảo để đảm bảo việc thi hành án được thuận lợi.
Trên cơ sở kết luận của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các luật sư bào chữa cho hai bị cáo: Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc đều đề nghị hủy án sơ thẩm để điều tra xét xử lại, vì chưa có căn cứ quy kết các bị cáo phạm tội như Tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên.
Ngày mai (24/4), phiên tòa tiếp tục phần tranh luận.
PV