Ngày 27/9, TAND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu mở phiên tòa xét xử và tuyên phạt bị cáo Nguyễn Khiêm (sinh năm 1985, nguyên Trung úy công an TP Bà Rịa) 18 năm tù, Nguyễn Hiệp (sinh năm 1986, em trai Khiêm) 20 năm tù và Phạm Văn Hoàng (sinh năm 1986, ngụ TP Bà Rịa) 12 năm tù về tội giết người.
Theo cáo trạng, khoảng 18h ngày 29/7/2017, Nguyễn Khiêm và chị Dịu (sinh năm 1991) cùng nhóm bạn ngồi nhậu ở quán Tigon (xã Tân Hưng, TP Bà Rịa). Trước khi ra về trước, Khiêm khoác tay lên vai và tóc chị Dịu thì anh Tuấn (sinh năm 1978, chồng chị Dịu) đang ngồi nhậu ở bàn khác nhìn thấy.
Cho rằng Khiêm có hành động không đúng mực với vợ mình, anh Tuấn và Khiêm có mâu thuẫn, cãi nhau. Khiêm đã gọi cho em trai là Nguyễn Hiệp tới đánh anh Tuấn. Nhận được điện thoại, Hiệp rủ thêm Hoàng mang theo dao tới quán nhậu.
Tới quán, Hoàng lao tới đánh thì bị anh Tuấn đánh trả. Ngay lập tức, Hiệp dùng dao chém liên tiếp vào người anh Tuấn. Khi chị Dịu tới can ngăn Hiệp thì bị hung thủ đẩy ngã. Thấy anh Tuấn bỏ chạy, Hiệp cầm dao đuổi theo, tiếp tục chém tới tấp vào nạn nhân.
Thấy anh Tuấn gục, nhóm của Khiêm mới bỏ đi. Nạn nhân được mọi người đưa tới bệnh viện cấp cứu nhưng tử vong hai ngày sau đó. Khiêm cùng đồng bọn bị bắt sau đó. Khiêm bị tước quân tịch và kỷ luật khai trừ Đảng.
Tại phiên tòa hôm nay, bị cáo Khiêm quanh co chối tội. Khiêm cho rằng Khiêm nhận định việc quàng qua vai phụ nữ đã có gia đình là không có gì quá đáng lắm, bởi là anh em chơi với nhau, nếu không say thì đã không có việc gì xảy ra.
Còn bị cáo Hiệp, em trai bị cáo Khiêm khai không biết bị hại là anh Tuấn. Khi nhận được điện thoại của Khiêm nói ở quán Tigon có người chửi Khiêm, Hiệp gọi điện rủ thêm Hoàng để về đánh.
Khiêm chờ Hiệp, Hoàng tại cổng UBND xã Tân Hưng, cách quán không xa. Khiêm chỉ cho Hiệp và Hoàng anh Tuấn là người mặc áo sọc. Sau đó, Hiệp và Hoàng đi đến quán trước, Khiêm đi theo sau, cách không xa.
Đến bàn anh Tuấn, Hoàng là người xông vào đánh anh Tuấn trước, ghì đầu anh Tuấn xuống. Anh Tuấn phản ứng lại yếu ớt thì Hiệp xông vào dùng dao chém liên tiếp vào người anh Tuấn. Lúc này, Khiêm chỉ đứng nhìn, không phản ứng gì.
Tuy nhiên, các nhân chứng có mặt tại hiện trường khẳng định Khiêm đi sau xe của Hiệp nhưng đến cùng một lúc. Khi Hiệp chém người thì Khiêm đứng gần đó, Khiêm còn nói: "Chém chết m.... nó cho tao!".
Sau khi nghị án, HĐXX nhận định bị cáo Khiêm cho rằng mình không có ý định tước đoạt mạng sống của anh Tuấn. Tuy nhiên qua mô tả hành vi khách quan nêu trên chứng tỏ rằng bị cáo là người khởi xướng việc đánh anh Tuấn. Khiêm phải chịu trách nhiệm về hậu quả là cái chết của người bị hại, lỗi của bị cáo là lỗi gián tiếp.
Bị cáo Khiêm là người mâu thuẫn chính với anh Tuấn và cũng là người có lỗi trước khi sàm sỡ với vợ bị hại. Nhưng bị cáo lại gọi em trai mình là Hiệp đến đánh anh Tuấn, bất chấp hậu quả xảy ra; Hiệp và Hoàng không có mâu thuẫn gì với anh Tuấn nhưng khi được nhờ đánh đã dùng hung khí nguy hiểm tấn công bị hại rất quyết liệt, dã man, bất chấp hậu quả.
Đối với bị cáo Khiêm, mặc dù không phải người trực tiếp đánh anh Tuấn nhưng chính Khiêm là người khởi xướng đánh bị hại và cũng là nguyên nhân gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng chỉ từ một mâu thuẫn nhỏ và Khiêm là người có lỗi trước. Vì vậy việc xét xử Khiêm một mức án nghiêm khắc là cần thiết.
Về tình tiết giảm nhẹ, lúc đầu các bị cáo tại cơ quan điều tra và phiên tòa này lúc đầu còn khai báo quanh co chối tội thiếu thành khẩn. Nhưng sau khi đối chất và giải thích của HĐXX, các bị cáo đã nhận thức được vi phạm của mình nên thể hiện được sự ăn năn, hối hận. Các bị cáo đã bồi thường hỗ trợ gia đình bị hại tổng số tiền 500 triệu đồng, gia đình bị hại không yêu cầu bồi thường thêm. Các bị cáo có thân nhân tốt, gia đình có công với cách mạng cũng là một tình tiết giảm nhẹ.