Vụ việc đã xảy ra một thời gian dài, làm ảnh hưởng cảnh quan môi trường, ô nhiễm nguồn nước đầu nguồn, gây khó khăn cho sản xuất, sinh hoạt của người dân, nhưng các ngành chức năng của tỉnh Đắk Lắk vẫn chưa có biện pháp xử lý dứt điểm.
Sau khi nhận phản ánh của người dân về việc doanh nghiệp xây đập chặn dòng sông Krông Bông để nuôi cá tầm trái phép, phóng viên TTXVN đã tìm về xã Yang Mao, huyện Krông Bông để tìm hiểu vấn đề này.
Theo Bí thư Đảng ủy xã Yang Mao Trần Mậu Quyết: Tháng 8/2016, Công ty Cổ phần Yang Hanh (trụ sở tại huyện Krông Bông) và Công ty TNHH MTV thủy sản Trường Toàn (trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh) có tờ trình xin huyện Krông Bông cho phép xây dựng trang trại nuôi cá tầm trên diện tích đất nông nghiệp 1,3 ha, với quy mô 50 ao nuôi, tại khu vực bãi bồi điểm giao hợp giữa sông Krông Bông và suối Ea Tông, buôn Hàng Năm, xã Yang Mao.
Trong khi chưa nhận được văn bản đồng ý của chính quyền địa phương, hai công ty này đã cho máy móc vào san ủi, xây dựng nhiều hạng mục của công trình. Đến tháng 11/2016, hai công ty đã chấm dứt hợp đồng liên kết sản xuất và trang trại nuôi cá tầm được ông Nguyễn Văn Toản (trú tại Thành phố Hồ Chí Minh) mua lại. Ông Toản cũng đã có tờ trình UBND xã Yang Mao, huyện Krông Bông tiếp tục cho đầu tư, xây dựng trại nuôi cá tầm.
Tuy vậy, trong thời gian chờ huyện Krông Bông đồng ý, ông Toản đã “khẩn trương” xây dựng được 24 ô nuôi, trong đó 9 ô đã thả nuôi 16.000 cá giống, 10 ô đang xây dở. Để có nước nuôi cá tầm, chủ trang trại đã cho xây một đập dâng kiên cố bằng bê tông dài 20m chắn ngang dòng sông Krông Bông (khu vực đầu nguồn), 200m kênh bê tông dẫn nước từ đập dâng vào ô nuôi cá.
Vì lưu lượng dòng nước bị điều chỉnh nên nhiều khu vực hạ lưu sông Krông Bông bị cạn kiệt nước, gây khó khăn cho sinh hoạt, sản xuất của người dân. Đặc biệt, trang trại nuôi cá tầm của ông Nguyễn Văn Toản chưa có hệ thống xử lý nước thải chăn nuôi, mà vẫn xả trực tiếp nước thải ra suối Ea Tông gây mùi hôi tanh làm người dân bức xúc.
Theo anh Y Blơ, buôn Kiều, xã Yang Mao: “Sông Krông Bông chảy qua địa bàn xã Yang Mao là khu vực dòng đầu nguồn, lưu lượng nước rất nhiều, đồng bào M’nông buôn Hàng Năm, buôn Kiều sống nhờ vào trồng lúa nước và đánh bắt cá ven sông. Mấy tháng nay, trang trại nuôi cá tầm đã mọc lên giữa dòng sông, họ xây đập chặn sông để lấy nước, nhiều nơi ở hạ lưu sông Krông Bông đã cạn trơ đá, nước thải của trang trại cũng xả trực tiếp ra sông gây mùi hôi, người dân trong buôn bức xúc phản ánh lên chính quyền nhiều lần mà chưa được giải quyết”.
Ông Y Drai Mdrang, Chủ tịch UBND xã Yang Mao cho biết: Sau khi người dân phản ánh, UBND xã cũng đã thành lập đoàn kiểm tra, yêu cầu ông Toản ngừng ngay việc thi công trang trại, chờ kết luận của UBND huyện Krông Bông. Song nhiều lần đi kiểm tra không gặp được chủ doanh nghiệp nên UBND xã không xử lý được.
Theo bà Đinh Trần Thị Bích Nga, Chánh Văn phòng UBND huyện Krông Bông, UBND huyện đã thành lập đoàn kiểm tra trang trại nuôi cá tâm trái phép, yêu cầu ông Nguyễn Văn Toản dừng thi công các hạng mục công trình, xử phạt vi phạm hành chính và yêu cầu ông Toản khôi phục lại hiện trạng ban đầu của đập dâng. UBND huyện cũng sẽ họp thống nhất đưa ra biện pháp phù hợp nhất.
Huyện ủy Krông Bông cũng đã có văn bản yêu cầu Đảng ủy, UBND xã Yang Mao, các cơ quan có liên quan kiểm điểm trách nhiệm việc buông lỏng quản lý, không báo cáo kịp thời để doanh nghiệp xây dựng trang trại nuôi cá tầm trái phép, gây hậu quả nghiêm trọng. Huyện ủy cũng đã giao cho UBND huyện Krông Bông, UBND xã Yang Mao sớm có phương án khắc phục việc xây dựng trang trại nuôi cá tầm trái phép của ông Nguyễn Văn Toản theo quy định.
Trang trại nuôi cá tầm của ông Nguyễn Văn Toản có tổng mức đầu tư 10 tỷ đồng, hiện công trình đã hoàn thành một nửa các hạng mục và đã nuôi cá thương phẩm được 2 tháng. Trang trại giải quyết việc làm cho 6 lao động tại địa phương với mức 4 triệu đồng/tháng.