Năm bị cáo bị đưa ra xét xử gồm: Ngô Văn Sáng (sinh năm 1986), Trần Đức Lâm (sinh năm 1989), Vũ Trọng Trường (sinh năm 1989), Hồ Bá Đồng (sinh năm 1991) và Nguyễn Phạm Việt Hà (sinh năm 1995).
Theo hồ sơ vụ án, vào tháng 4/2017, Võ Tấn Minh (sinh năm 1992, ngụ phường Tấn Tài, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm) bị Công an tỉnh Ninh Thuận khởi tố và bắt giam để điều tra về hành vi “Mua bán trái phép chất ma túy”. Sau hơn 4 tháng điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Ninh Thuận xác định Võ Tấn Minh phạm tội thuộc trường hợp ở khung hình phạt dưới 15 năm tù nên đã bàn giao cho Công an thành phố Phan Rang - Tháp Chàm thụ lý theo thẩm quyền.
Ngày 8/9/2017, Võ Tấn Minh được di lý về nhà tạm giữ của Công an thành phố Phan Rang - Tháp Chàm. Tại đây, Minh được đưa vào buồng giam số 12, giam chung với 3 bị can khác. Ngay sau khi vào buồng giam, Minh và một bị can khác có xảy ra xô xát, nhưng được can ngăn nên không có thương tích. Lúc này, trưởng nhà tạm giữ đi kiểm tra phát hiện Minh đánh nhau nên đã yêu cầu cán bộ quản giáo đưa Minh lên phòng hỏi cung số 2 làm việc.
Trong lúc làm việc, do bực tức việc Minh vi phạm nội quy lại có thái độ không hợp tác, có lời lẽ xúc phạm cán bộ nên Ngô Văn Sáng, Trần Đức Lâm, Nguyễn Phạm Việt Hà, Hồ Bá Đồng và Vũ Trọng Trường đã có hành vi dùng nhục hình đối với Võ Tấn Minh.
Đến 16 giờ 10 cùng ngày, Võ Tấn Minh bị ngất xỉu nên được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Thuận cấp cứu. Các bác sỹ kết luận Võ Tấn Minh đã tử vong trước khi đến bệnh viện. Kết quả khám nghiệm tử thi xác định nguyên nhân chết là do phù phổi cấp, xẹp phổi gây suy hô hấp, trụy tim mạch cấp tính, đa sung huyết phủ tạng trên cơ thể đa chấn thương.
Ngày 14/9/2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Ninh Thuận đã chuyển hồ sơ vụ án cho Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao giải quyết theo thẩm quyền. Từ các kết quả khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi và những chứng cứ, tài liệu thu thập, Cơ quan điều tra đã xác định các bị can trên có dấu hiệu dùng nhục hình đối với Võ Tấn Minh.
Ngày 19/9/2017, Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao khởi tố vụ án. Tiếp đó, ngày 24/11/2017, Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao khởi tố 5 cán bộ công an nói trên về hành vi dùng nhục hình; trong đó, Hồ Bá Đồng và Ngô Văn Sáng bị bắt giam, 3 bị can còn lại được tại ngoại.
Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 13/9/2018, các bị cáo đã thừa nhận hành vi phạm tội, đồng thời gửi lời xin lỗi đến gia đình người bị hại. Dựa trên các tình tiết, chứng cứ phạm tội, lời khai của các bị cáo, phiên đối chất của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Ninh Thuận với các vị luật sư và đại diện gia đình người bị hại, Hội đồng xét xử đã kết luận: Hành vi phạm tội của các bị cáo gây ra cái chết của Võ Tấn Minh là bột phát, một phần xuất phát từ thái độ không hợp tác làm việc của Võ Tấn Minh.
Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm đã tuyên phạt các bị cáo: Ngô Văn Sáng 7 năm tù, Trần Đức Lâm 6 năm tù, Nguyễn Phạm Việt Hà 6 năm tù, Hồ Bá Đồng 5 năm tù và Vũ Trọng Trường 3 năm tù, cùng về tội "Dùng nhục hình" áp dụng theo Khoản 3, Điều 298 Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009.
Ngoài ra, cấm các bị cáo: Ngô Văn Sáng, Hồ Bá Đồng và Nguyễn Phạm Việt Hà đảm nhiệm các chức vụ trong ngành Công an 3 năm; cấm bị cáo Trần Đức Lâm đảm nhiệm các chức vụ trong ngành Công an 2 năm và cấm bị cáo Vũ Trọng Trường đảm nhiệm các chức vụ trong ngành công an 1 năm, sau khi chấp hành xong hình phạt tù.
Tuy nhiên, đại diện gia đình người bị hại Võ Tấn Minh không chấp nhận kết quả bản án sơ thẩm, có đơn kháng cáo đề nghị thay đổi tội danh từ “Dùng nhục hình” sang tội “Giết người” đối với 5 bị cáo trên. Phía các bị cáo cũng có đơn yêu cầu xem xét, giảm nhẹ khung hình phạt, mức bồi thường cho gia đình người bị hại.
Sau khi xem xét nội dung bản án sơ thẩm, hồ sơ vụ án, phần trả lời, đối chất giữa các bên tại tòa, Hội đồng xét xử tòa phúc thẩm nhận định: Các bị cáo trên trong quá trình thực thi nhiệm vụ không cố ý tước đoạt tính mạng của Võ Tấn Minh nên không có căn cứ để chấp thuận chuyển đổi tội danh. Bản án sơ thẩm đã xem xét đầy đủ các chứng cứ, và có căn cứ để không chấp nhận kháng cáo nên Hội đồng xét xử tòa cấp cao tuyên giữ nguyên bản án sơ thẩm, chỉ chấp thuận một phần kháng cáo dân sự, yêu cầu các bị cáo tiếp tục bồi thường, mỗi bị cáo trên 60 triệu đồng cho gia đình người bị hại, sau khi khấu trừ các khoản đã bồi thường trước đó.