Cụ thể, do quen biết trên mạng xã hội Facebook từ trước, người sử dụng tài khoản “James Mark” đã nhắn tin đề nghị chị N.T.T (sinh năm 19, trú huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) gửi thông tin họ tên, địa chỉ, số điện thoại để người này gửi cho chị một món quà có 800.000 USD tiền mặt từ nước ngoài. Do tin tưởng nên chị T đã cung cấp thông tin. Đến ngày 19/6, một đối tượng tự xưng là nhân viên của sân bay Tân Sơn Nhất liên lạc và yêu cầu chị T gửi số tiền gần 14 triệu đồng là tiền lệ phí nhận gói hàng. Tuy nhiên, sau khi chuyển tiền mà không nhận được gói hàng, chị T biết mình bị lừa nên đã đến Cơ quan Công an trình báo.
Một trường hợp khác bị lừa đảo qua mạng xã hội là anh P.T.N (trú thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai). Ngày 25/5, anh N đăng lên mạng xã hội Facebook quảng cáo bán đất thì có một người dùng tên “Tam Minh” liên hệ, đề nghị anh N cung cấp thông tin tài khoản để người này chuyển tiền đặt cọc mua đất. Do tin tưởng, anh N đã cung cấp thông tin cho đối tượng này. Sau đó, người dùng “Tam Minh” đã gửi cho anh N link trang web http://westernunionnhantienquocte.weebly.com/donate.html, đề nghị anh N nhập mã xác nhận đã gửi cho anh trước đó để nhận tiền. Tuy nhiên, sau khi nhập mã, anh N đã bị chiếm đoạt số tiền gần 50 triệu đồng.
Hình thức lừa đảo bằng cách chuyển đường link các trang web rồi yêu cầu người dùng nhập mã xác nhận là hình thức lừa đảo không mới. Tuy nhiên sự nhẹ dạ cả tin của một số người sử dụng mạng xã hội đang khiến loại tội phạm này có xu hướng tăng lên trong những năm gần đây, nhất là khi lượng người sử dụng mạng xã hội ngày một đông.
Công an tỉnh Gia Lai cũng cho biết, sau khi lừa đảo thành công, các đối tượng dùng số tiền chiếm đoạt được để mua tiền ảo bitcoin và card điện thoại nên việc điều tra gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, Công an tỉnh Gia Lai khuyến cáo người dân cảnh giác trước những thủ đoạn tinh vi của các đối tượng lừa đảo qua mạng xã hội.