Dù không có nghề nghiệp gì nhưng Ngô Thị Hồng, 52 tuổi, trú ở Phố Nối, thị trấn Bần, Mỹ Hào, Hưng Yên đã mạo danh là cán bộ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hưng Yên để lừa đảo hàng chục người chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng.
Điều đáng nói là, vì tiền, người phụ nữ này nhẫn tâm lừa đảo, chiếm đoạt tiền của những người bị khuyết tật, không có khả năng kiếm kế sinh nhai.
Ngô Thị Hồng vốn quê ở An Bá, Sơn Động, Bắc Giang, sau đó lấy chồng ở Lưu Kiếm, Thủy Nguyên, Hải Phòng nên về Hải Phòng sinh sống. Do chồng bị bệnh nặng nên từ năm 2005, Hồng đã dứt tình, bỏ chồng con đi lang thang rồi thuê căn nhà số 307, Phố Nối, thị trấn Bần, Mỹ Hào, Hưng Yên để ở và làm nơi thực hiện hành vi lừa đảo.
Tại đây, Hồng lân la làm quen và trở thành cộng tác viên không hưởng lương (không ký kết bằng văn bản) cho Công ty TNHH Dịch vụ bảo vệ SBC (Công ty SBC) Hưng Yên. Theo đó, Hồng được hưởng tiền môi giới dịch vụ là 200.000đ/người khi tuyển nhân viên và được công ty trên cấp giấy giới thiệu kèm quy chế tuyển dụng.
Có tấm giấy giới thiệu trên, Hồng coi là "chìa khóa" để thực hiện hành vi lừa đảo và khoe là cán bộ lãnh đạo của Công ty SBC, có nơi, Hồng khoe làm ở Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hưng Yên nên quen biết nhiều, có thể bố trí việc làm cho các lao động và nằm trong đường dây "chạy" các chế độ, chính sách.
Sở dĩ Hồng lấy "nghệ danh" là Hồng Quyên vì qua tìm hiểu, cô ta biết ở Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hưng Yên có một cán bộ tên là Quyên nên đã mạo danh chị Quyên, đề phòng mọi người nghi ngờ, điện thoại đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hỏi lại.
Việc lừa đảo của Hồng trở nên "hoành tráng" được nhiều người biết đến bắt nguồn từ câu chuyện của một thanh niên tên là Quốc, quê ở Nam Định, đã cai nghiện ma túy thành công nhưng chưa xin được việc làm phát sóng trên chương trình "Bạn hãy nói với chúng tôi" thuộc hệ Văn hóa đời sống, Đài Tiếng nói Việt Nam ngày 8/4/2009. Lập tức, Hồng xưng danh là Hồng Quyên, gọi điện đến chương trình xin được giúp đỡ bằng cách giới thiệu việc làm ở Khu công nghiệp Phố Nối, Hưng Yên, đồng thời cung cấp điện thoại của mình trên sóng của chương trình để mọi người biết, liên hệ xin việc làm.
Ngô Thị Hồng tại buổi gặp gỡ những người nhờ cô ta xin việc làm, hứa chạy chế độ chất độc da cam. |
Vì Hồng làm cộng tác viên ăn hoa hồng cho Công ty SBC nên sau khi liên lạc với anh Quốc, Hồng đã giới thiệu thành công việc làm cho người thanh niên trên. Cũng qua số điện thoại của Hồng được cung cấp trên sóng phát thanh, nhiều người liên hệ với cô ta để được giới thiệu việc làm. Sau đó, một số người điện thoại lại cho chương trình "Bạn hãy nói với chúng tôi" thông báo là đã tìm được việc làm do bà Hồng (Quyên) giới thiệu. Chính vì vậy, uy tín của Hồng ngày càng được nâng lên, thậm chí chương trình "Bạn hãy nói với chúng tôi" còn dành hẳn một buổi phỏng vấn, giới thiệu về Hồng.
Thấy thành công trong việc môi giới việc làm, Hồng quay sang lừa đảo, tuyên truyền mình làm ở Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, có quen biết với nhiều lãnh đạo cấp cao, có thể "chạy" chính sách như chế độ dành cho nạn nhân bị chất độc da cam, làm thủ tục hưởng chế độ thương binh...
Tưởng thật, nhiều người đã tìm đến nhà Hồng nhờ làm chế độ cho bản thân và người quen. Theo đó, Hồng quy định, mỗi hồ sơ được hưởng chế độ nạn nhân chất độc da cam hoặc thương binh phải chi phí từ 10 triệu đến 14 triệu đồng, thời gian làm thủ tục mất khoảng 3 đến 6 tháng, nếu không làm được sẽ hoàn trả 100%.
Một trong những nạn nhân của Hồng là ông Vũ Văn Hẳn, 58 tuổi, ở huyện Mê Linh, Hà Nội. Ông Hẳn vốn là thương binh, nạn nhân chất độc da cam, đang hưởng các chế độ của Nhà nước nhưng muốn đi làm bảo vệ để kiếm thêm thu nhập. Chính vì vậy, khi nghe đài, biết Hồng có khả năng xin việc nên đã liên lạc với cô ta nhờ giúp đỡ. Trường hợp của ông Hẳn không xin được việc vì Hồng cho rằng ông tuổi cao, sức yếu, các công ty không nhận vào làm. Tuy nhiên, Hồng giới thiệu mình quen với nhiều người ở Bộ Quốc phòng, có thể "chạy" được chế độ chất độc da cam, thương binh và nhờ ông Hẳn tìm người quen, thân, môi giới để cô ta giúp làm các chế độ trên.
Để tạo lòng tin, tại nhà ông Hẳn, Hồng gọi điện cho một người, giới thiệu là Thiếu tướng Võ Sở hỏi về thủ tục được hưởng chế độ chất độc da cam rồi bật loa ngoài cho mọi người cùng nghe. Vì vậy, ông Hẳn và mọi người rất tin tưởng, nộp tiền cho cô ta. Đã có 25 người nộp 305 triệu đồng cho ông Hẳn để ông này nộp cho Hồng. Số tiền đó, Hồng trích lại cho ông Hẳn mỗi trường hợp 2 triệu đồng hoa hồng, còn lại cầm hết. Sau khi nộp đủ tiền nhưng không ai được hưởng chế độ gì, mọi người liên lạc với Hồng nhưng cô ta tắt máy rồi bỏ trốn.
Trường hợp ông Lưu Văn Vệ, ở Quảng Xương, Thanh Hóa còn đáng thương hơn. Ông Vệ vốn là người khuyết tật, bị mù hai mắt, mọi sinh hoạt đều phải nhờ vào người thân trong gia đình. Thế nhưng, Hồng cũng lừa đảo chiếm đoạt của ông Vệ hơn 30 triệu đồng khiến ông và gia đình rơi vào cảnh bi đát.
Theo lời khai của ông Vệ thì ông biết Hồng (Quyên) qua chương trình "Bạn hãy nói với chúng tôi" của Đài Tiếng nói Việt Nam nên đã liên hệ qua số điện thoại giới thiệu trên chương trình. Điện thoại cho Hồng (Quyên), cô ta nói là trưởng phòng ở Sở Lao động - Thương binh - Xã hội Hưng Yên nên có thể làm các thủ tục để mọi người được hưởng chế độ, chính sách miễn là chịu chi phí. Sau khi liên lạc, Hồng đã tìm đến nhà ông Vệ, tìm hiểu nhân thân rồi hứa sẽ làm được chế độ chất độc da cam cho ông Vệ, đồng thời bảo ông giới thiệu những người quen khác.
Bản thân là người khuyết tật, muốn được hưởng chế độ để bớt gánh nặng cho con cái lúc tuổi già, sức yếu nên ông Vệ đã gom hết tiền trong gia đình, nhờ Hồng làm giúp mình, đồng thời nhận tiền của 2 người nữa để nhờ Hồng giúp. Không ngờ, đến hẹn nhưng chẳng thấy chế độ gì, ông Vệ liên lạc cho Hồng mới biết cô ta đã từ chối cuộc gọi của ông. Xót tiền, ông Vệ nhờ con rể đèo xe máy từ Thanh Hóa ra Hưng Yên để tìm hiểu và choáng váng khi biết rằng Hồng Quyên tên thật là Hồng, chỉ là kẻ không nghề nghiệp hiện đã bỏ trốn khỏi địa phương. Không còn cách nào khác, ông Vệ đành đến Phòng CSĐT tội phạm về TTQL kinh tế và chức vụ, Công an tỉnh Hưng Yên trình báo.
Quá trình điều tra, cán bộ, chiến sĩ Phòng CSĐT tội phạm về TTQL kinh tế và chức vụ, Công an tỉnh Hưng Yên đã thu thập tài liệu, xác định Ngô Thị Hồng đã nhận làm các thủ tục để hưởng chế độ chất độc da cam đối với 29 người trú tại Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Hà Nội nhưng không làm được chế độ cho mọi người, không trả lại tiền, hiện đã bỏ trốn.
Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hưng Yên đã ra quyết định khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, khởi tố bị can đối với Ngô Thị Hồng và ra lệnh bắt tạm giam đối tượng trên. Ai biết Ngô Thị Hồng ở đâu, đề nghị báo cho Phòng CSĐT tội phạm về TTQL kinh tế và chức vụ, Công an tỉnh Hưng Yên, ĐT 03213.869.237 hoặc cơ quan Công an nơi gần nhất.
Qua đây, chúng tôi cũng đề nghị mọi người nêu cao tinh thần cảnh giác, không nên tin tưởng vào chuyện "chạy chọt" để hưởng lợi, nếu không, sẽ là miếng mồi ngon để các đối tượng xấu lợi dụng
Theo cand.com