Ba bị cáo bị truy tố trước tòa. Ảnh: Vũ Hà/TTXVN. |
Các bị cáo gồm: Bùi Mạnh Quốc (sinh năm 1986) trú phường Đại Phúc, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn xử lý nước Trâm Anh bị truy tố về tội “Vô ý làm chết người”; bị cáo Trần Văn Sơn (sinh năm 1990) trú tại phường Hữu Nghị, thành phố Hoà Bình, cán bộ Phòng vật tư, trang thiết bị y tế - Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình và Hoàng Công Lương (sinh năm 1986) đăng ký hộ khẩu tại Quốc Oai, Hà Nội, thường trú xã Sủ Ngòi, thành phố Hòa Bình, bác sĩ Khoa hồi sức tích cực, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình cùng bị truy tố về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
Tại phiên làm việc ngày 21/5, các gia đình nạn nhân cũng yêu cầu Hội đồng xét xử, Tòa án nhân dân thành phố xem xét đề nghị tuyên bác sĩ Hoàng Công Lương vô tội với lý do bác sĩ Lương đã hết lòng chăm sóc các bệnh nhân trong quá trình chạy thận cũng như cứu chữa trong quá trình xảy ra sự cố y khoa. Bác sĩ Hoàng Công Lương là người làm chuyên môn, không liên quan đến việc sửa chữa máy móc, thiết bị. Tại phiên xét xử, đại diện gia đình các nạn nhân cũng mong Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ tội cho hai bị cáo Trần Văn Sơn và Bùi Mạnh Quốc.
Trong quá trình điều tra, gia đình Trần Văn Sơn và Bùi Mạnh Quốc đã tự nguyện nộp tiền khắc phục hậu quả lần lượt là 50 và 30 triệu đồng. Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình và Công ty Thiên Sơn (đơn vị cung cấp vật tư sửa chữa hệ thống lọc nước RO số 2 tại Bệnh viện) đã nộp 740 triệu đồng cho cơ quan thi hành án để hỗ trợ khắc phục hậu quả cho các gia đình nạn nhân.
Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử tiếp tục với phần xét hỏi, làm rõ phần trách nhiệm dân sự, bồi thường cho các nạn nhân. Trả lời câu hỏi của Hội đồng xét xử về chi phí trong việc thực hiện mai táng phí, các gia đình đã kê khai những phần chi phí bỏ ra trong quá trình tổ chức mai táng cho nạn nhân với tổng số tiền là 1.029.100.000 đồng và yêu cầu bồi thường về dân sự theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, các bệnh nhân được cấp cứu, điều trị đã phục hồi cũng yêu cầu bồi thường. Trong đó, 3 bệnh nhân Bùi Thị Vân, Bùi Thị Rấm, Phạm Ngọc Chung có đơn đề nghị bồi thường thiệt hại về sức khỏe, tinh thần với tổng số tiền là 70 triệu đồng; còn lại 7 nạn nhân được cấp cứu, điều trị đã phục hồi cũng đều có đơn đề nghị bồi thường tổn hại sức khỏe sau sự cố y khoa ngày 29/5/2017 theo quy định của pháp luật. Hội đồng xét xử cho biết, nếu các gia đình kê khai các khoản chi hợp lý, kể cả không có hóa đơn chứng từ thì Hội đồng xét xử vẫn xem xét.
Như tin đã đưa, ngày 7/5, Tòa án nhân dân thành phố Hòa Bình mở Phiên tòa xét xử vụ chạy thận nhân tạo gây tử vong tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình (ngày 29/5/2017). Tuy nhiên, phiên tòa đã tạm hoãn với lý do vắng một số người quan trọng liên quan đến vụ án; đặc biệt là sự vắng mặt luật sư của các bên, thiếu người đại diện hợp pháp của bị đơn là Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình.