Mất rừng tràn lan
Từ năm 2014 đến tháng 6/2018, tỉnh Gia Lai đã tiến hành thanh tra đối với 5/22 ban quản lý rừng phòng hộ tại địa phương. Theo đó, Thanh tra tỉnh phát hiện tất cả các đơn vị này đều xảy ra tình trạng mất đất, mất rừng. Tại 4/5 đơn vị bị thanh tra, diện tích rừng và đất lâm nghiệp bị mất lên tới 5.100 ha.
Cụ thể Ban quản lý rừng phòng hộ Ia Hội để người dân lấn chiếm hơn 880 ha, tức là gần 70% diện tích được giao quản lý, bảo vệ. Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc An Khê buông lỏng quản lý, để người dân lấn chiếm hơn 1.200 ha rừng, tương đương với hơn 86% diện tích đất, rừng được giao. Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ để bị lấn chiếm hơn 2.400 ha đất lâm nghiệp, cùng 300 ha rừng bị chặt. Ban quản lý rừng phòng hộ Ia Grai để cháy, mất 360 ha, chết gần 120 ha rừng.
Có nhiều nguyên nhân khách quan dẫn tới tình trạng mất đất rừng như: lực lượng bảo vệ rừng mỏng; công cụ hỗ trợ bảo vệ rừng thiếu và không đủ sức răn đe lâm tặc; chế độ đãi ngộ đối với nhân viên bảo vệ rừng còn thấp…
Ông Dương Hoàng Nguyện, Trưởng phòng Thanh tra pháp chế, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai cho biết: Các đối tượng lâm tặc hung hăng với nhiều hung khí nguy hiểm sẵn sàng chống trả lại lực lượng chức năng, trong khi công cụ hỗ trợ của lực lượng kiểm lâm còn thô sơ và thiếu thốn. Ngoài ra, một cán bộ kiểm lâm phải quản lý diện tích rừng quá lớn cũng là nguyên nhân gây mất kiểm soát tình trạng phá rừng trên địa bàn.
Tuy nhiên, qua nhiều vụ phá rừng, mất đất lâm nghiệp thì sự buông lỏng quản lý vẫn là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng mất đất, mất rừng tại địa phương.
Trục lợi tiền tỷ trên đất rừng
Thực tế cho thấy, nhiều ban quản lý không nắm được diễn biến mất rừng. Đơn cử, tại Ban quản lý rừng phòng hộ Ayun Pa, ông Nay Rcom Jem, Trưởng ban thừa nhận: Năm 2017, đơn vị đã không cập nhật kịp thời diện tích rừng bị người dân lấn chiếm nên đã chi trả tiền giao khoán bảo vệ rừng với số tiền 200 nghìn đồng/ha cho 35 ha đất không có rừng. Trên thực tế diện tích rừng này đã bị người dân lấn chiếm làm rẫy, đơn vị cũng đã thu hồi lại số tiền trên.
Qua kiểm tra của cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai, tại các Ban quản lý rừng phòng hộ Ia Grai và Đăk Đoa có tình trạng giả chữ ký, làm giả hồ sơ, có dấu hiệu trục lợi hàng tỷ đồng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Cụ thể, Ban quản lý rừng phòng hộ Ia Grai đã thực hiện việc chi trả tiền dịch vụ chăm sóc và bảo vệ rừng không đúng đối tượng với số tiền hơn 4 tỷ đồng. Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân tộc thiểu số trên địa bàn để làm giả chứng từ, giả mạo chữ ký để thanh toán hơn 2,6 tỷ đồng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Anh Siu Nghét, công an viên làng Kloong, xã Ia O, huyện Ia Grai cho biết: Anh được cán bộ Ban quản lý rừng phòng hộ Ia Grai nhờ ký vào một số giấy tờ nhưng không rõ nội dung rồi cho anh 100 nghìn đồng/lần ký. Tổng cộng anh ký giúp họ 2 lần trong năm 2010 và 2011. Sau này khi thanh tra về điều tra anh mới biết sự việc mình bị lợi dụng và rất bất bình với việc này.
Anh Siu Quan, làng Bi, xã Ia O, huyện Ia Grai cũng bức xúc cho biết: Sau khi thanh tra xuống làng thẩm tra việc bà con có nhận tiền bảo vệ và chăm sóc rừng không thì mọi người mới vỡ lẽ sự việc. 16 người trong làng anh có tên trong danh sách nhận tiền, tuy nhiên không ai được nhận số tiền đó, thậm chí trong danh sách nhận tiền còn có những cái tên mà trong làng không có ai có tên như vậy.
Liên quan đến vấn đề trục lợi, Thanh tra tỉnh Gia Lai cũng yêu cầu Ban quản lý rừng phòng hộ Đăk Đoa thu hồi, nộp lại ngân sách Nhà nước số tiền hơn 5,3 tỷ đồng mà đơn vị này đã sử dụng trái quy định. Phát hiện nhiều cán bộ, lãnh đạo, viên chức Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ lấn chiếm hàng chục ha đất lâm nghiệp, qua đó, khởi tố 2 nguyên lãnh đạo và 1 kế toán của đơn vị này.
Ông Nguyễn Hồng Lâm, Trưởng phòng Sử dụng và Phát triển rừng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai cho biết: Sở Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh đang xây dựng đề án sắp xếp, tổ chức lại các ban quản lý rừng, những ban hoạt động kém hiệu quả sẽ bị giải thể. Đồng thời, UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành công văn yêu cầu Thanh tra tỉnh lập kế hoạch thanh tra toàn diện đối với tất cả các ban quản lý rừng phòng hộ tại địa phương.
Những động thái này đang thể hiện quyết tâm của địa phương trong việc chấn chỉnh tình trạng buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm công tác tại các Ban quản lý rừng phòng hộ trên địa bàn.