Với mục tiêu đưa nước sạch về các buôn làng, cải thiện nguồn nước sinh hoạt cho bà con dân tộc thiểu số các vùng khó khăn, những năm qua, hàng trăm dự án nước sạch ở huyện Krông Pa (Gia Lai) đã được triển khai xây dựng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, có nhiều dự án không phát huy được hiệu quả, gây lãng phí lớn.
Hiện toàn huyện Krông Pa có 57 công trình nước sạch sinh hoạt tập trung được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia nhưng có khoảng 20% công trình chưa phát huy hiệu quả, thậm chí xuống cấp không thể sử dụng vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Bên cạnh đó, các công trình nước sạch xây dựng từ nhiều nguồn vốn khác nhau cũng có tình trạng chung. Cụ thể, những công trình phát huy hiệu quả kém có tới công trình (chiếm gần 23%); công trình không sử dụng được có 61 công trình (chiếm 21%). Phổ biến nhất là tình trạng hư hỏng ống dẫn, táp lô điện… nhưng không được khắc phục. Gần đây kiểm tra 5 công trình nước sạch tại xã Ia Rsai thì đã có 2 công trình hư hỏng từ lâu.
Công trình nước sinh hoạt sạch tại buôn Blang, xã Chư Ngọc, huyện Krông Pa được đầu tư xây dựng với kinh phí hơn 1 tỷ đồng từ nguồn vốn chương trình Mục tiêu quốc gia về nước sạch. Công trình có bể chứa 100 m3 nước, đảm bảo các tiêu chí và cung cấp nước sinh hoạt thường xuyên cho hơn 200 hộ dân trong buôn. Thế nhưng, người dân ở đây không mấy quan tâm đến công trình này, mà hàng ngày vẫn đến bến sông để tắm, giặt, đưa nước về sử dụng. Già Kpă Lit, buôn Blang, xã Chư Ngọc, huyện Krông Pa cho biết: Dân làng quen dùng nước ở sông, suối rồi. Còn nước giếng khó uống lắm, không ngon nên dân làng ít người dùng.
Một nguyên nhân nữa mà việc sử dụng các công trình nước sạch sinh hoạt trên địa bàn huyện Krông Pa không phát huy được hiệu quả bởi từ trước tới nay dân làng đã quen dùng nước miễn phí, không phải trả tiền. Có nhiều công trình khi được đầu tư và đưa vào sử dụng, cấp nước đến nhà dân được người dân hồ hởi đón nhận vì có nước sạch về nhà. Tuy nhiên, sau một vài tháng tổ tự quản đến thu tiền nước thì nhiều người mới “giật mình” vì phải đóng một số tiền khá lớn do để nước chảy suốt ngày đêm như nhiều công trình nước tự chảy khác. Để đối phó với việc phải trả tiền, một số hộ dân đã truyền nhau kinh nghiệm dùng nước “miễn phí” bằng cách cho đầu ống chảy nhỏ giọt vào vật chứa. Cứ thế, hàng trăm gia đình vẫn dùng nước nhưng đồng hồ “bất động”, còn điện bơm nước vẫn phải trả, buộc tổ tự quản “xin lệnh” ngừng bơm và công trình bị bỏ hoang dẫn đến hư hỏng.
Ông Dương Kim Tân, cán bộ phụ trách nước sạch vệ sinh môi trường, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Pa, cho biết: Có một số xã người dân quản lý rất tốt, công trình hoàn thành đưa nước đến từng hộ dân sử dụng và hàng tháng vẫn có đủ chi phí để đầu tư sửa chữa. Nhưng một số nơi sau khi công trình đưa vào sử dụng, sau một vài tháng không thu được tiền nước, đã dẫn đến việc không có tiền trả cho chi nhánh điện lực và đành bỏ không.
Để tránh tình trạng thất thoát, lãng phí tại các công trình dân sinh này, huyện Krông Pa cần khảo sát, hướng dẫn người dân sử dụng nguồn nước hợp lý cũng như đẩy mạnh công tác tuyên truyền để bà con hiểu về lợi ích của việc sử dụng nước sạch thay cho việc sử dụng nước sông, suối như hiện nay.
Quang Thái