Đại tá Đỗ Ngọc Cảnh, Cục trưởng Cục phòng chống ma túy và tội phạm (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng - BTL BĐBP) cho biết: Lực lượng BĐBP đã thực hiện hiệu quả công tác tham mưu, hướng dẫn, chỉ đạo và trực tiếp xác lập kế hoạch nghiệp vụ nắm tình hình tại các địa bàn trọng điểm; xác lập đấu tranh thành công 4 chuyên án tội phạm MBN, bắt 7 đối tượng và giải cứu 8 nạn nhân.
Trước đó, vào ngày 11/1/2022, thực hiện kế hoạch đấu tranh trong chuyên án HG122p, Phòng phòng chống ma túy và tội phạm (BĐBP tỉnh Hà Giang) phối hợp với Đồn Biên phòng cửa khẩu Thanh Thủy và Đoàn 1 (Cục Phòng chống ma túy và tội phạm) đã bắt Thào Thị Mua và Mua Mi Tủa, cùng trú quán tại xã Sùng Thài, huyện Yên Minh (Hà Giang) về hành vi lừa bán Phàn Thị Hoa, sinh năm 2005, trú quán tại xã Phú Lũng, huyện Yên Minh (Hà Giang) sang Trung Quốc. Tiếp đó, ngày 11/3/2022, tại xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An), Phòng phòng chống ma túy và tội phạm (BĐBP Nghệ An) phối hợp với Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn bắt Lô Văn Cầu, sinh năm 1981, trú tại xã Xiêng My, huyện Tương Dương (Nghệ An) và Lê Thị Ngọc, sinh năm 1988, trú tại xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) về hành vi lừa bán Hoa Thị Hoài, sinh năm 1996, trú tại xã Tà Cạ huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) sang Trung Quốc.
Cũng theo Đại tá Đỗ Ngọc Cảnh, hoạt động của tội phạm MBN trên khu vực biên giới vẫn diễn biến phức tạp, trọng điểm là các tỉnh tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc và các tỉnh Tây Nam Bộ. Các đối tượng hình thành các đường dây khép kín nhằm dụ dỗ, lừa gạt, mua bán nạn nhân ra nước ngoài để bóc lột tình dục, mại dâm, cưỡng bức lao động, kết hôn trái phép, cho, nhận con nuôi trái pháp luật…
Đáng chú ý là hoạt động dụ dỗ, lừa gạt, lôi kéo phụ nữ có thai sang Trung Quốc sinh, sau đó bán trẻ em sơ sinh; tổ chức cho công dân Việt Nam xuất cảnh sang Campuchia lao động trong các cơ sở kinh doanh của người Trung Quốc, một số người bị bóc lột sức lao động, tình dục hoặc bị khống chế bắt nộp tiền chuộc ngày càng gia tăng.
Hiện lực lượng BĐBP đã phát hiện ngày càng nhiều phụ nữ Việt Nam bị dụ dỗ, lừa gạt xuất cảnh trái phép qua Trung Quốc, Lào sang Myanmar tìm việc làm, nhiều người đã bị mua bán.
Trước tình hình trên, Cục phòng chống ma túy và tội phạm đã hướng dẫn các đơn vị sàng lọc, phân loại những trường hợp có dấu hiệu tội phạm, vi phạm pháp luật hoặc có dấu hiệu là nạn nhân bị mua bán để xử lý theo thẩm quyền, đúng quy định pháp luật khi tiếp nhận công dân Việt Nam do nước ngoài trao trả, đẩy đuổi hoặc tự trở về. Chỉ đạo và phối hợp với các địa phương, các cơ quan, tổ chức liên quan tuyên truyền cho người dân đề cao cảnh giác, nâng cao nhận thức về tội phạm MBN.
BTL BĐBP tiếp tục chỉ đạo lực lượng đẩy mạnh đấu tranh các chuyên án, tiếp tục thực hiện các kế hoạch nghiệp vụ, kế hoạch chuyên đề nắm tình hình, đấu tranh với tội phạm tại các địa bàn trọng điểm. Tập trung triệt phá các đường dây tội phạm ma túy, buôn lậu, MBN, xuất nhập cảnh trái phép quy mô lớn, xuyên quốc gia, đánh trúng đối tượng chủ mưu, cầm đầu…