Trước khi đề cập đến những vấn đề liên quan đến thực trạng vấn đề ma túy tổng hợp (MTTH) ở Việt Nam, cần phải khẳng định đây không phải là loại ma túy mới. Ảnh minh họa. Nguồn: vovgiaothong.vn |
Trên thực tế, MTTH đã được nhà khoa học người Nhật tìm ra cách đây hơn 100 năm trong quá trình điều chế một loại thuốc ho từ cây Ma Hoàng. Và trước khi trở thành vấn nạn ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam thì loại ma túy này đã hoành hành ở rất nhiều nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan…
Ngay từ khi chúng ta chưa thu giữ được một viên MTTH nào thì tại các hội nghị, hội thảo quốc tế về phòng, chống ma túy (PCMT), nhiều nước đã cảnh báo xu hướng người nghiện các chất ma túy đang chuyển dần từ sử dụng các loại ma túy truyền thống sang loại ma túy này.
Thành phần người sử dụng MTTH đa dạng hơn rất nhiều so với người nghiện heroin. Có nghĩa là, không phải chỉ những người có lối sống buông thả, có đời sống xã hội bất ổn mà còn có cả giới trí thức, người lao động chân chính, học sinh, sinh viên, các nhà hoạt động xã hội…
Ngay tại Thái Lan, MTTH từ lâu đã trở thành loại ma túy số một và có thời điểm có khoảng từ 2-3 triệu người thường xuyên sử dụng chúng. Một phần không nhỏ trong số đó là nông dân, công nhân hầm mỏ, người lao động phổ thông, các thuyền viên và lái xe taxi, lái xe tải đường dài...
Những người chỉ quan tâm đến lợi ích vụn vặt trước mắt do MTTH đem lại mà trở thành người nghiện, để sau đó phải hứng chịu những hậu quả khôn lường.
Điều đáng nói là vào thời điểm đó, phần lớn các loại MTTH được sản xuất bất hợp pháp tại các nước Tây Âu rồi vận chuyển lậu đến khu vực Đông Nam Á. Tại khu vực Đông Nam Á, chỉ mới có thông tin về các cơ sở sản xuất MTTH dạng viên dưới tên gọi viên “Điên” Yaba, hay “Hồng phiến” mà thực chất là các viên nén chứa khoảng 20-25% chất methamphetamine được sản xuất trái phép tại một số khu vực vùng sâu, vùng xa của Thái Lan hay trong khu vực rừng núi của Myanmar. Khu vực này tuyệt nhiên chưa có khả năng sản xuất ra các loại MTTH như ecstacy “thuốc lắc” hay một số loại biến thể khác của methamphetamine, như methamphetamine dạng tinh thể mà ngày nay người sử dụng thường quen gọi là “hàng đá”.
Sau hơn 10 năm kể từ khi có những cảnh báo đầu tiên về tình hình sản xuất, mua bán, sử dụng các loại MTTH, bức tranh tổng thể về ma túy này trong khu vực nói chung và ở nước ta nói riêng đã có những thay đổi căn bản theo hướng ngày càng nghiêm trọng.
Đông Nam Á đã và đang là một trọng điểm về MTTH, nơi tập trung trên 50% người sử dụng của thế giới và gần 65% lượng MTTH thu được trên thế giới có nguồn gốc từ đây. Do việc điều chế tương đối đơn giản, nguồn nguyên liệu đa dạng, dồi dào trong khi lợi nhuận thu được cực lớn nên nhiều băng nhóm tội phạm quốc tế đã có sự chuyển dịch từ sản xuất heroin từ thuốc phiện sang sản xuất các loại MTTH từ các loại hóa chất, tân dược thông dụng, một số loại dầu có nguồn gốc tự nhiên...
Mặt khác, do việc sản xuất không phụ thuộc thời vụ, thổ nhưỡng, lại dễ cất giấu trong quá trình vận chuyển nên việc phát hiện, đấu tranh với loại tội phạm này đang là thách thức lớn cho lực lượng chức năng. Từ một vài nước sản xuất và cung cấp các chất MTTH hoặc chỉ sản xuất được một vài loại MTTH, ngày nay, đã phát hiện các cơ sở sản xuất MTTH ở hầu hết các nước trong khu vực Đông Nam Á như: Indonesia, Malaysia, Philippines, Campuchia, Trung Quốc với các quy mô khác nhau và đã có khả năng điều chế tất cả các loại MTTH chủ yếu như: Methamphetamine dạng tinh thể, ecstasy...
Các cơ sở này đã có mặt của chuyên gia ma túy của một số nước Châu Âu và có khả năng điều chế mỗi mẻ tới vài tấn (như ở Campuchia). Điều đáng lo ngại là trong số 378 cơ sở sản xuất MTTH bất hợp pháp được phát hiện tại Trung Quốc vào năm 2010 thì có trên 30% tại các tỉnh phía Nam, sát với biên giới Việt Nam. Bên cạnh đó, tình trạng người sử dụng ma túy tự làm chủ công nghệ điều chế MTTH từ các loại thuốc cảm thông thường phục vụ nhu cầu của mình cũng là những điểm mới gây quan ngại cho xã hội.
Cùng với việc gia tăng nguồn cung các chất MTTH đã xuất hiện nhiều tuyến đường vận chuyển mới như tuyến đường sông Mê Kông, tuyến hàng không từ các nước Đông Phi, Trung Đông, Trung Á về các sân bay lớn như Bangkok, Kuala Lumpur… Cầm đầu các đường dây tội phạm ma túy quốc tế này là những đối tượng tội phạm ma túy người gốc Phi, Iran hoặc người Hoa.
Ở nước ta, từ một vài vụ phát hiện, thu giữ MTTH dạng viên đầu tiên trên tuyến Tây Bắc vào đầu những năm 2000, số lượng vụ mua bán, vận chuyển MTTH phát hiện trong vài năm trở lại đây có sự gia tăng đột biến. Bên cạnh “Hồng phiến – Methamphetamine dạng viên” đã xuất hiện nhiều vụ vận chuyển ecstasy, methamphetamine dạng tinh thể.
Bên cạnh sự đa dạng về tuyến vận chuyển như tuyến Tây Bắc, Bắc miền Trung, Tây Nam, số vụ vận chuyển qua đường hàng không cũng không ngừng gia tăng. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2012 cả nước đã phát hiện, ngăn chặn 21 vụ bắt 50 đối tượng, thu giữ 65 kg ma túy tổng hợp các loại. Trong đó có tới 16 vụ/20 đối tượng với tổng số 46 kg methamphetamine dạng tinh thể được vận chuyển qua đường hàng không (gấp 6 lần lượng methamphetamine thu được tại các sân bay so với cùng kỳ năm trước).
Mặc dù một nghiên cứu về tình hình lạm dụng MTTH do Chương trình kiểm soát tội phạm và ma túy quốc tế của Liên hợp quốc triển khai hai năm trước đây tại 5 tỉnh, thành phố của Việt Nam chưa đưa ra được những số liệu mang tính cảnh báo về mức độ nghiêm trọng liên quan đến tình hình lạm dụng MTTH trên diện rộng, số người có sử dụng MTTH theo thống kê của Cơ quan Thường trực phòng chống ma túy chỉ mới chiếm 6,5% số người nghiện ma túy của cả nước và trong hơn một năm trở lại đây không có nhiều thông tin về việc triệt xóa các điểm giải trí có hiện tượng sử dụng MTTH song không phải vì vậy mà vấn đề ít nghiêm trọng.
Kết quả kiểm tra công tác PCMT tại hai tỉnh Tiền Giang và Cần Thơ vào tháng 8/2012 cho thấy, tại một số phường, xã, trong số người nghiện mới phát hiện có tới trên 50% có sử dụng MTTH. Bên cạnh việc phát hiện số người sử dụng các loại MTTH tăng nhanh ở một số địa phương, xuất hiện nhiều vụ giết người thương thâm do người nghiện MTTH gây ra, Đoàn kiểm tra còn được phản ánh những khó khăn của địa phương trong việc xét nghiệm để khẳng định có các chất MTTH trong nước tiểu bởi lẽ chi phí để mua que thử cao gấp gần 5 lần so với giá thành que thử để xét nghiệm heroin.
Việc phân biệt người sử dụng MTTH với những người đã nghiện loại ma túy này cũng không hề dễ dàng vì chưa có một hướng dẫn chính thức nào từ cơ quan có thẩm quyền về các tiêu chí xác định người nghiện MTTH. Đối với một số trường hợp có dấu hiệu của bệnh tâm thần phân liệt như hoang tưởng, ảo giác, lẫn lộn ý thức (thường được dùng với tên “ngáo đá” thì cũng không rõ phải đưa đến địa chỉ nào và điều trị bằng cách gì!
Như vậy, với thực trạng một lượng lớn MTTH phát hiện ở nước ta trong thời gian gần đây và với những kẽ hở về pháp lý như hiện nay rất có thể đang tiềm ẩn một nhu cầu về MTTH rất nghiêm trọng mà chúng ta chưa nắm được. Để việc đấu tranh, ngăn chặn tình trạng lạm dụng các chất MTTH một cách kịp thời và thực sự có hiệu quả, chúng tôi xin đề xuất một số giải pháp sau đây:
*Một là: Công tác tuyên truyền giáo dục PCMT theo thông lệ vẫn là giải pháp cơ bản mang tính quyết định. Làm tốt công tác tuyên truyền chính là nhằm làm giảm nhu cầu bất hợp pháp về loại ma túy này. Kết quả khảo sát do Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm Liên hợp quốc tiến hành gần đây và từ thực tiễn tổ chức một số lớp tập huấn về công tác PCMT cho cán bộ các lực lượng Cảnh sát cấp quận, huyện, thì không chỉ người dân, học sinh, sinh viên chưa nhận thức đầy đủ về tác hại của các loại MTTH mà ngay nhiều cán bộ Cảnh sát quản lý hành chính, Cảnh sát hình sự, Cảnh sát PCMT còn mơ hồ về loại ma túy này.
Một số người có tiền sử sử dụng heroin còn ngụy biện việc họ sử dụng MTTH là để cai nghiện heroin. Các đối tượng tuyên truyền không chỉ thu hẹp trong nhóm có hành vi nguy cơ cao như trẻ em lang thang, cơ nhỡ, các đối tượng đồng giới nam… mà cần mở rộng ra cho các nhóm lao động phổ thông, học sinh, sinh viên, lái xe tải đường dài, thuyền viên, công nhân hầm mỏ hay cả bà con nông dân để nhận rõ tác hại nguy hiểm và lâu dài do các loại ma túy này gây ra.
*Hai là: Để làm tốt công tác điều tra cơ bản, một yếu tố không thể thiếu được là phải sớm có sự thống nhất về các tiêu chí xác định người nghiện các chất MTTH. Trong khi chưa có một phác đồ điều trị cho người nghiện các chất MTTH, đề nghị Bộ Y tế có hướng dẫn các khoa điều trị bệnh nhận tâm thần tiếp nhận và điều trị các đối tượng nghiện có các dấu hiệu tâm thần phân liệt, có hành vi tự sát hoặc tấn công người khác gây bất ổn cho xã hội.
*Ba là: Trong lĩnh vực đấu tranh, cần kiểm soát chặt chẽ các hoạt động vận chuyển MTTH từ bên ngoài và kiểm soát chặt chẽ không để phát sinh các cơ sở sản xuất MTTH từ các loại tiền chất, nhất là từ các loại cảm cúm thông thường. Cần tổ chức các cuộc hội thảo, trao đổi thông tin thường xuyên giữa các lực lượng kiểm soát ma túy tại sân bay, cửa khẩu, lực lượng quản lý xuất nhập cảnh nhằm phát hiện những dấu hiệu bất thường của những phụ nữ không có thu nhập ổn định lại xuất cảnh thường xuyên.
Để tăng cường kiểm soát tiền chất phòng ngừa hoạt động sản xuất các chất MTTH cần có quy định cho một số doanh nghiệp có uy tín, dễ kiểm soát mới có quyền nhập khẩu các tiền chất có nguy cơ cao đồng thời tăng cường kiểm soát các doanh nghiệp, các cơ sở bán lẻ các loại tân dược chứa tiền chất. Cũng có thể đề ra các hạn mức bán hàng cho các loại thuốc ho, thuốc cảm cúm chứa tiền chất để ngăn chặn hành vi thuê người thu mua gom các loại thuốc này.
MTTH không còn là hiểm họa mà thực sự đã trở thành vấn đề hết sức cấp thiết đòi hỏi phải có các giải pháp quyết liệt và đồng bộ từ các cấp, các ngành. Trong khi các nước xung quanh đã phải trả giá rất đắt cho loại ma túy này và đã có những giải pháp khá đồng bộ từ việc cảnh báo, tuyên truyền, điều trị, đấu tranh... thì ở nước ta tới thời điểm hiện nay việc thiếu các biện pháp từ khâu xác định người nghiện, phác đồ điều trị... e rằng là quá muộn.
Tạ Đức Ninh