Kể từ khi áp dụng luật cấm học sinh không được đi xe máy phân khối lớn đến trường, ngành giáo dục đã có nhiều biện pháp tuyên truyền nhưng cho đến nay nhiều em vẫn "vô tư" vi phạm, trên người còn khoác nguyên bộ đồng phục học sinh.
Mặc dù thành phố đã có quy định cấm, nhưng tình trạng học sinh đi xe máy tới trường ở TP.HCM vẫn diễn ra phổ biến. |
Bước vào năm học mới, đa số các trường THPT trên địa bàn TP.HCM đều có nội quy và phổ biến rất rõ về việc cấm học sinh không có giấy phép lái xe đi xe phân khối lớn đến trường. Tuy nhiên, tình trạng học sinh đi xe gắn máy tới trường vẫn khá phổ biến.
Tại trường THPT Gia Định (quận Bình Thạnh), trường THPT Trưng Vương (quận 1) nhiều học sinh vẫn đi xe máy tới trường. Để tránh bị phát hiện về việc đi xe máy đến trường, những học sinh này không gửi xe trong trường mà đều gửi xe tại các địa điểm ngoài khu vực trường. Cụ thể, ngay trước cổng trường THPT Gia Định có hai điểm giữ xe chủ yếu là cho học sinh. Tại đây, bên cạnh các loại xe đạp thì số lượng xe máy học sinh gửi khá nhiều với đủ các loại từ xe số đến các loại xe tay ga phân khối lớn như: Attila, Lead, Exciter…
Đại diện trường THPT Trần Khai Nguyên (quận 5) thừa nhận: “Trong những năm qua, nhà trường đã đưa Luật An toàn giao thông vào trong những tiết sinh hoạt đầu giờ nhưng tình trạng học sinh đi xe máy tới trường vẫn còn phổ biến. Các học sinh này có thể gửi xe ở các hộ dân bên ngoài khu vực nhà trường nên rất khó xử lý tình trạng này. Bên cạnh đó, lực lượng cảnh sát giao thông cũng không thể kiểm soát hết lượng học sinh đi xe máy hoặc khi xử phạt vẫn chưa xử lý thật sự nghiêm khắc nên chưa thể ngăn chặn học sinh đi học bằng xe phân khối lớn”.
Trong khi đó, theo ông Dương Văn Bá, Phó vụ trưởng Vụ Công tác học sinh sinh viên, Bộ GD-ĐT, trong năm học 2011 - 2012 tại TP.HCM, gần 900 học sinh có tên trong danh sách vi phạm an toàn giao thông do công an cung cấp. Trong đó, vi phạm tập trung ở các lỗi như chưa đủ tuổi đi xe gắn máy, vượt đèn đỏ, chạy quá tốc độ, lạng lách… “Tuy nhiên, đây chỉ là một trong số ít những học sinh vi phạm luật giao thông được gửi về trường chứ trên thực tế số học sinh vi phạm còn nhiều hơn”, ông Bá nói.
Ông Dương Văn Bá cho rằng ý thức về an toàn giao thông ở giới trẻ, đặc biệt là trong học sinh, sinh viên, vẫn chưa cao. Hành vi vi phạm của học sinh, sinh viên chủ yếu diễn ra ở ngoài trường, do đó khó kiểm soát, giám sát, trong khi phụ huynh lại chưa quan tâm, vô tư để con đi xe phân khối lớn mà không có các biện pháp ngăn cản, nhắc nhở.
Bà Huỳnh Thị Bé Ren, Trợ lý thanh niên trường THPT Trần Khai Nguyên, cho biết: “Để giải quyết tận gốc rễ vấn đề học sinh đi xe máy tới trường, nhà trường và đoàn thanh niên đã tổ chức cho học sinh ký cam kết không đi xe trên 50 phân khối đến trường khi chưa đủ tuổi. Đặc biệt, cần tuyên truyền cho phụ huynh về những tác hại của việc điều khiển xe khi chưa đủ tuổi cũng như thông báo các hình thức xử phạt để phụ huynh biết và ký cam kết không giao xe phân khối lớn cho con em khi chưa có giấy phép lái xe”.
Ông Phạm Đăng Khoa, Phó Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, cũng cho biết nhà trường kiên quyết không giữ xe phân khối lớn của học sinh khi chưa có giấy phép lái xe. “Cả học sinh và phụ huynh đều phải ký cam kết không vi phạm. Bên cạnh đó, trường còn mời những sinh viên trường luật về mở các phiên tòa giả định về vi phạm luật giao thông và mời công an giao thông về tuyên truyền các kiến thức an toàn giao thông cho học sinh nhằm nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông của học sinh”, ông Khoa cho biết.
Theo phản ánh của các trường, để hạn chế tình trạng học sinh đi xe máy phân khối lớn đến trường, nhiều trường đã vận động học sinh đến trường bằng các phương tiện giao thông công cộng hoặc đi bằng xe của nhà trường tổ chức.
Tuy nhiên, việc vận động học sinh sử dụng các phương tiện công cộng đến trường gặp nhiều khó khăn. Do đó, biện pháp hữu hiệu nhất là cần phải tuyên truyền, giáo dục và nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông của học sinh.
Theo một số nhà chuyên môn, cần phải đưa Luật Giao thông đường bộ vào các trường học như một môn học chính khóa, chứ không phải môn học phụ như hiện nay. Việc đưa luật vào giảng dạy sẽ giúp học sinh có ý thức hơn trong việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ và hạn chế tình trạng tai nạn giao thông.
Bài và ảnh: Đan Phương