TP hiện có 3.482 trụ nước chữa cháy, được lắp đặt tại 12 quận, 17 huyện, 1 thị xã, tập trung chủ yếu tại khu vực các quận nội thành; 722 trụ nước chữa cháy của các khu đô thị, khu công nghiệp tự quản lý; 16 bể nước chữa cháy của thành phố có khối tích từ 50 m3 trở lên đặt tại các khu vực công cộng, 3.670 bể nước của các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở có khối tích trên 20 m3 có thể khai thác, sử dụng để chữa cháy; 11 hố thu nước chữa cháy tại các ao, hồ; 2.230 nguồn nước tự nhiên như ao, hồ, sông, kênh, mương… có thể khai thác, sử dụng để chữa cháy.
Đáng chú ý, do mật độ dân số ngày càng tăng cao, đối chiếu với quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC hiện hành, thành phố cần lắp đặt bổ sung số lượng trụ nước, bể nước, bến lấy nước, hố thu nước chữa cháy nêu trên.
TP Hà Nội đang tập trung hoàn thành để sớm ban hành Đề án tổng thể về nâng cao năng lực và đảm bảo an toàn PCCC&CNCH giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030; tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và kiến thức PCCC&CNCH, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động trong công tác PCCC&CNCH của toàn thể công chức, viên chức, người lao động và nhân dân.
Bên cạnh đó, xây dựng và nhân rộng nhiều cách làm hay, mô hình mới về điển hình tiên tiến trong công tác PCCC; tập trung rà soát, chỉnh lý, xây dựng phương án chữa cháy, cứu nạn cứu hộ tại nhà cao tầng, siêu cao tầng, dưới tầng hầm, trung tâm thương mại, kho xưởng sản xuất, nơi tập trung đông người...
Các cơ quan chức năng cũng chỉ rõ nguyên nhân xảy ra cháy chủ yếu đến từ sự cố hệ thống, thiết bị điện (696 vụ, chiếm 52,2%). Địa bàn xảy ra cháy vẫn chủ yếu xảy ra ở nội thành, chiếm 60,2% trên tổng số vụ cháy. Các vụ cháy này có quy mô không lớn, gây thiệt hại không nhiều về tài sản, nhưng gây thiệt hại nghiêm trọng về người. Các vụ cháy gây thiệt hại lớn về tài sản chủ yếu vẫn xảy ra ở loại hình kho, xưởng sản xuất (145 vụ, chiếm 10,8%).
Trước tình hình cháy, nổ có nhiều diễn biến phức tạp, Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội đã có nhiều Chỉ thị, Nghị quyết, Kế hoạch và các văn bản chỉ đạo, bên cạnh đó chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về PCCC. Trên địa bàn thành phố đã thành lập 5.3 Đội dân phòng tại các thôn, tổ dân phố (đạt 100%). Lực lượng PCCC cơ sở đã thành lập và duy trì hoạt động đối với 39.090 đội PCCC cơ cở với 367.225 người.
Hiện nay, TP có 2 mô hình liên quan đến lực lượng PCCC tình nguyện, gồm mô hình “Đội PCCC cơ động tình nguyện phường Dịch Vọng Hậu” quận Cầu Giấy, lấy nòng cốt là các tình nguyện viên có công việc gần nhà, tự nguyện tham gia và không có phụ cấp, bồi dưỡng; mô hình “Đội PCCC tình nguyện” tại phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, lấy nòng cốt là người dân có nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh đảm bảo duy trì hoạt động hiệu quả, liên tục.
Ngoài ra, TP đang duy trì 12 mô hình an toàn PCCC và triển khai 4 mô hình mới. Đáng chú ý, mô hình “Tuyên truyền, vận động các hộ gia đình tháo dỡ lồng sắt kiên cố và tự trang bị dụng cụ, phương tiện chữa cháy, cứu hộ” của Công an quận Thanh Xuân đã được Bộ Công an ghi nhận, đã và đang được nhân rộng.
UBND TP Hà Nội cũng thường xuyên chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức kiểm tra PCCC theo định kỳ, đột xuất, đặc biệt là kiểm tra theo chuyên đề: Chung cư, nhà cao tầng; các hoạt động karaoke, vũ trường…; chợ, trung tâm thương mại; cơ sở kinh doanh xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng; kho, xưởng sản xuất; cơ sở kinh doanh, dịch vụ…
Tính riêng 6 tháng đầu năm 2022, các lực lượng chức năng đã kiểm tra an toàn về PCCC hơn 19.100 lượt cơ sở, ra quyết định xử phạt 930 trường hợp, với số tiền phạt trên 8,6 tỷ đồng; phát hiện 2.921 công trình chưa được nghiệm thu về PCCC đã đưa vào hoạt động, với tổng số 9.466 lỗi tồn tại, vi phạm về PCCC (trong đó, 498 công trình không đảm bảo yêu cầu về PCCC đưa vào sử sụng trước khi Luật PCCC số 27/2001/QH có hiệu lực, 2.423 công trình vi phạm quy định về PCCC hoạt động từ sau năm 2001 đến nay).
UBND TP đã chỉ đạo các đơn vị kiên quyết phạt vi phạm hành chính đối với 399 cơ sở với tổng số tiền 1.280.300.000 đồng; ban hành quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động đối với 541 cơ sở; đăng tải công khai danh tính các cơ sở vi phạm lên các phương tiện thông tin đại chúng. Chỉ đạo UBND 30 quận, huyện, thị xã tổ chức làm việc với chủ đầu tư của các công trình vi phạm để họp bàn, thống nhất biện pháp, giải pháp thực hiện...