Trên địa bàn huyện Thanh Trì có 266 cơ sở sản xuất, 590 cơ sở kinh doanh rượu. Các cơ sở này cung cấp một lượng lớn rượu, đặc biệt là rượu nấu thủ công cho địa bàn thành phố Hà Nội.
Tại cuộc kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm của thành phố Hà Nội mới đây, huyện Thanh Trì cho biết, trong quý I/2017, các đoàn kiểm tra liên ngành của huyện, xã đã kiểm tra 1.699 lượt cơ sở sản xuất và kinh doanh rượu; qua đó phát hiện 91 cơ sở vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính 29 cơ sở với gần 115 triệu đồng, tịch thu và tiêu hủy gần 1700 lít rượu không rõ nguồn gốc. Đặc biệt, các đoàn kiểm tra đã đình chỉ 40 cơ sở sản xuất rượu vi phạm các quy định an toàn vệ sinh thực phẩm.
Lực lượng chức năng thu giữ hơn 1.000 lít rượu không rõ nguồn gốc tại phường Mỹ Đình 2 (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) ngày 9/3. Ảnh: Trần Việt/TTXVN |
Nhằm chấn chỉnh hoạt động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người dân, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung yêu cầu, Ban chỉ đạo an toàn vệ sinh thực phẩm của huyện Thanh Trì tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền tạo sự thay đổi trong nhận thức và hành động của người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng thực phẩm, nhất là các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu.
Ngoài công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm, ngành chức năng cần kịp thời biểu dương những tập thể, cá nhân làm tốt công tác đảm bảo an toàn thực phẩm.
Theo báo cáo của huyện Thanh Trì, trong quý I/2017, Ban chỉ đạo an toàn vệ sinh thực phẩm huyện Thanh Trì đã chỉ đạo các đơn vị chức năng thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về an toàn thực phẩm cũng như tập huấn, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm. Ban chỉ đạo an toàn vệ sinh thực phẩm của huyện và các xã đã tổ chức cho 246 cơ sở sản xuất rượu, 537 cơ sở kinh doanh rượu ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm.