Hà Nội: Doanh nghiệp kinh doanh điện tử, điện máy lớn vi phạm nhiều về biển quảng cáo

Những doanh nghiệp để xảy ra rất nhiều vi phạm về biển quảng cáo có thể kể đến như Thế giới di động, FPT shop, Trần Anh, Điện máy xanh… Trong đó, có những doanh ngiệp có tới 145 cơ sở kinh doanh lắp dựng biển quảng cáo vi phạm.

Sự kiên quyết của Tổ công tác liên ngành thành phố trong đợt kiểm tra hoạt động quảng cáo, viết, đặt biển trên địa bàn 12 quận, huyện trọng điểm vừa qua cũng có tác động nhất định đến các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực này. Dù chưa nhiều nhưng đó là những tín hiệu tốt trong việc lập lại trật tự hoạt động quảng cáo, đảm bảo mỹ quan đô thị, an toàn giao thông, an toàn phòng cháy chữa cháy…

Các cơ sở kinh doanh karaoke trên đường Trần Thái Tông, quận Cầu Giấy  tháo dỡ biển, bảng hiệu quảng cáo vi phạm. Ảnh: Hiền Anh/TTXVN

Vi phạm khá phổ biến

Không khó để bắt gặp các biển hiệu, bảng quảng cáo vi phạm bởi ở quận, huyện nào của thành phố cũng có. Ngoài vi phạm các quy định của Luật Quảng cáo, vi phạm trật tự xây dựng, các biển hiệu, bảng quảng cáo vi phạm còn cản trở trực tiếp công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ nếu hỏa hoạn xảy ra. Thậm chí, nhiều bảng quảng cáo không được Sở Văn hóa và Thể thao chấp thuận, sai nội dung, quá thời hạn vẫn ngang nhiên tồn tại, phá vỡ không gian kiến trúc, ảnh hưởng đến trật tự và mỹ quan đô thị. Nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân dù đã được hướng dẫn, nhắc nhở, ký cam kết nhưng cố tình không chấp hành các quy định về hoạt động viết, đặt biển hiệu.

Theo thống kê của Phòng Quản lý văn hóa thuộc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, đến cuối tháng 4/2017, toàn thành phố có 107.970 biển hiệu, trong đó có 48.508 biển hiệu vi phạm (chiếm 45%); 2.396 bảng quảng cáo mặt tiền, trong đó có 793 bảng vi phạm (chiếm 33%); 545 biển hiệu mặt bên công trình, nhà ở, trong đó có 172 biển vi phạm (chiếm 32%).

Điều đáng nói là các doanh nghiệp kinh doanh điện tử, điện máy lớn như: Thế giới di động, FPT shop, Trần Anh, Điện máy xanh… để xảy ra rất nhiều vi phạm về biển quảng cáo. Cụ thể, hệ thống Thế giới di động có 145 cơ sở kinh doanh lắp dựng biển quảng cáo vi phạm, FPT shop 52 cơ sở, Điện máy xanh 25 cơ sở, Mediamart 14 cơ sở, Trần Anh 14 cơ sở... Cửa hàng FPT.shop.com.vn của Công ty cổ phần bán lẻ FPT tại số 290 Kim Mã (quận Ba Đình, Hà Nội) là một trong những điển hình vi phạm quảng cáo. Diện tích bảng quảng cáo của cơ sở này lên tới trên 130 m2, lắp đặt tại mặt tiền cửa hàng, che chắn toàn bộ mặt tiền, vượt lên nóc nhà. Hệ thống điện cung cấp ánh sáng cho biển quảng cáo không đảm bảo an toàn, nguy cơ gây chập, cháy là rất lớn.

Ông Bùi Minh Hoàng - Trưởng phòng Quản lý văn hóa, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết: Sở dĩ tồn tại nhiều vi phạm quảng cáo do các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân vì mục đích kinh doanh, lợi nhuận, đã cố tình phớt lờ các quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng, nhất là chính quyền cơ sở chưa sâu sát trong công tác quản lý hoạt động quảng cáo.

Những chuyển biến bước đầu

Trước sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng chức năng, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân bắt đầu ý thức về những vi phạm của mình. Ngay sau đó, một số biển hiệu, bảng quảng cáo vi phạm bắt đầu bị cắt gọt; các doanh nghiệp, cá nhân đã chú ý hơn đến việc xin cấp phép.

Các bảng quảng cáo mặt tiền tại cửa hàng Thế giới di động, số 4 - 470 - 472 Lê Duẩn, phường Phương Liên (quận Đống Đa) và tại 146 Kim Mã (quận Ba Đình); bảng quảng cáo tại cửa hàng kinh doanh của Công ty cổ phần bán lẻ kỹ thuật số FPT số 20 phố Đông Các, phường Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa); tại Bệnh viện Mắt kỹ thuật cao, số 51 - 53 - 55 Trần Nhân Tông (quận Hai Bà Trưng)... đều đã được cắt gọn nhỏ hơn so với diện tích ban đầu. Tiếp đến, các cửa hàng trên phố Thái Hà, Nguyễn Lương Bằng (quận Đống Đa), Kim Mã (quận Ba Đình), Nguyễn Khánh Toàn (quận Cầu Giấy)… cũng có động thái cắt gọt bảng quảng cáo quá khổ.

Dù là con số chưa nhiều, diện tích biển hiệu, bảng quảng cáo sau khi cắt gọt còn chưa đạt chuẩn theo quy định nhưng bước đầu cũng ghi nhận thái độ hợp tác của các chủ cơ sở, là những tín hiệu tốt trong việc lập lại trật tự quảng cáo. Ông Nguyễn Trọng Hải, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin quận Hai Bà Trưng cho biết: Sau đợt kiểm tra của Tổ công tác liên ngành thành phố, những biển hiệu, bảng quảng cáo quá khổ trên địa bàn quận đã được cắt gọt hoặc được tháo dỡ nội dung. Trước đó, quận Đống Đa tổ chức họp nhiều lần với các doanh nghiệp, cá nhân có biển hiệu, bảng quảng cáo vi phạm để tuyên truyền, vận động tự tháo dỡ, cắt gọt. Họ cũng ý thức được sai phạm nên đều tự giác xử lý.

Thời gian tới, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tiếp tục yêu cầu các quận, huyện tích cực tuyên truyền, vận động các cửa hàng tháo dỡ biển hiệu, bảng quảng cáo vi phạm. Nếu các cơ sở không chủ động tháo dỡ, Sở sẽ yêu cầu các địa phương cưỡng chế, đồng thời không để xảy ra các trường hợp tái phạm, vi phạm mới. Ông Tô Văn Động - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết thêm, Sở cũng đề nghị các quận, huyện, thị xã tổ chức kiểm tra toàn diện các cơ sở kinh doanh trên địa bàn, có lộ trình thực hiện, đề ra giải pháp hiệu quả nhằm đưa hoạt động quảng cáo, biển hiệu tại các cơ sở kinh doanh trên địa bàn vào nền nếp, trật tự, đảm bảo văn minh đô thị.

Đinh Thị Thuận (TTXVN)
Lãng phí và nhếch nhác bảng quảng cáo rao vặt miễn phí
Lãng phí và nhếch nhác bảng quảng cáo rao vặt miễn phí

Một thực tế đáng buồn, khi khắp phố phường Hà Nội, từ những trục đường chính cho đến ngõ, hẻm đều dễ dàng bắt gặp hình ảnh thông tin, quảng cáo rao vặt dán khắp mọi nơi, trêm cột đèn giao thông, tủ điện... trong khi đó, hầu hết những tấm bảng quảng cáo, rao vặt miễn phí lại chưa phát huy hiệu quả, thậm chí là nhếch nhác, gây mất mỹ quan thủ đô.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN