Viện Kiểm sát cho rằng bản án sơ thẩm này đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, thu thập tài liệu, chứng cứ chưa đầy đủ.
Vụ án này do Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội thụ lý, ủy quyền cho Tòa án nhân dân quận Hoàng Mai (Hà Nội) xét xử sơ thẩm.
Nguyên đơn vụ kiện này là bà N.T.T.T (sinh năm 1977, trú tại Gia Lâm, Hà Nội) khởi kiện ông J.M.D (sinh năm 1967, quốc tịch Bỉ).
Trong đơn khởi kiện, bà T trình bày: cuối năm 2013, đầu năm 2014, bà T giấu chồng, mua ngôi nhà có diện tích gần 40 m2 tại Trâu Quỳ (Gia Lâm, Hà Nội). Nguồn tiền bà mua là từ tiền riêng và vay mượn thêm của người nhà. Thời gian này, bà làm cùng ông J tại một công ty thoát nước.
Do mâu thuẫn giữa 2 bên, năm 2016, ông J đã sa thải bà và khóa tủ hồ sơ của bà khi bà rời công ty nên bà không kịp kiểm tra giấy tờ. Do bà T không tìm thấy giấy tờ nhà đất nêu trên nên đi xin cấp lại thì mới biết ông J đang giữ. Bà T cho rằng ông J đang chiếm giữ trái phép giấy tờ nhà đất của bà nên đã khởi kiện đề nghị ông J trả lại cho bà và đề nghị Tòa xác lập quyền sở hữu nhà đất cho bà.
Bị đơn trong vụ án là ông J trình bày: Tháng 5/2011, ông J thuê bà T. làm trợ lý cá nhân để giúp đỡ ông trong công việc. Ông J có nhu cầu mua 1 căn nhà tại Việt Nam nhưng pháp luật Việt Nam không cho phép người nước ngoài đứng tên sở hữu nhà, nên ông nhờ bà T mua và đứng tên giúp căn nhà ở Trâu Quỳ nêu trên với tổng giá trị là hơn 3,2 tỷ đồng.
Để đảm bảo đây là tài sản của ông J và ông có toàn quyền định đoạt đôi với tài sản này, bà T đã tự nguyện giao cho ông toàn bộ hồ sơ giấy tờ gốc liên quan đến việc mua bán và sở hữu bất động sản này, bao gồm: giấy đặt cọc nhà và đất, giấy biên nhận tiền thanh toán, hợp đồng chuyển nhượng, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… Sau khi mua bất động sản này, do tin tưởng và cảm thương cho hoàn cảnh của bà T nên ông J đồng ý cho bà T sử dụng căn nhà đó để kinh doanh thuốc tân dược.
Ông J cho biết, do kết quả xử lý công việc của bà T không đạt yêu cầu, ông J đã chấm dứt việc thuê bà T làm việc cho mình và yêu cầu bà hoàn trả bất động sản mà bà T đứng tên mua hộ ông. Tuy nhiên, bà T cố tình không trả và có âm mưu chiếm đoạt tài sản của ông, đồng thời liên tục có hành vi xâm hại nghiêm trọng đến danh dự, uy tín, nhân phẩm và tài sản của ông như: nhắn tin xúc phạm cá nhân ông, nhắn tin với các đối tác của ông với nội dung sai sự thật…
Ngày 20/11/2015, ông J đã nộp đơn tố giác bà T tới Phòng Cảnh sát hình sự, Công an thành phố Hà Nội và cho rằng bà T tìm mọi cách lừa dối cơ quan chức năng nhằm chiếm đoạt căn nhà mà ông đã nhờ bà T đứng tên.
Ngày 26/10/2022, Tòa án nhân dân quận Hoàng Mai đã đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án này (theo ủy quyền của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội), ông J làm đơn xin hoãn phiên tòa do thời điểm đó ông có công việc quan trọng tại nước ngoài. Tại phiên tòa, đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố đã đề nghị Hội đồng xét xử cho hoãn phiên tòa do vắng mặt bị hại và do chưa hoàn thiện một số nội dung theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, Hội đồng xét xử sơ thẩm vẫn quyết định tiếp tục phiên xử và tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà T, buộc ông J phải trả lại cho bà T Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Sau khi án sơ thẩm tuyên, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội đã quyết định kháng nghị toàn bộ Bản án dân sự sơ thẩm ngày 26/10/2022 vì cho rằng Tòa án sơ thẩm đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng về tống đạt văn bản tố tụng cho đương sự là người nước ngoài, công nhận các văn bản tài liệu bằng tiếng nước ngoài, do người nước ngoài cung cấp mà không có phiên dịch, không được công chứng, chứng thực theo quy định pháp luật; xác minh, thu thập chứng cứ chưa đầy đủ; giải quyết thiếu yêu cầu khởi kiện làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự.
Cụ thể, toàn bộ bản tự khai và các văn bản trình bày, tài liệu chứng cứ của ông J nộp cho Tòa án đều bằng tiếng Việt, không có chữ ký của người phiên dịch, không được công chứng, chứng thực. Nhưng Tòa án không hướng dẫn đương sự cung cấp lại văn bản trình bày, tài liệu chứng cứ theo quy định pháp luật mà đã công nhận các văn bản, tài liệu trên là do bị đơn trình bày. Đồng thời, việc Tòa án đưa vụ án ra xét xử vắng mặt bị đơn là làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự.
Mặt khác, các văn bản tố tụng mà Tòa án tống đạt cho bị đơn là ông J đều bằng tiếng Việt, biên bản giao nhận có chữ ký của người nhận nhưng không có chữ ký của người phiên dịch là ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
Thêm vào đó, do bà T mua ngôi nhà nói trên trong giai đoạn hôn nhân nên việc Tòa án không lấy lời khai của chồng bà T là một sai sót trong xác định tư cách đương sự.
Viện Kiểm sát cũng cho rằng: Việc Tòa án chưa xác minh, thu thập hồ sơ giải quyết tin báo tố giác của các bên đương sự tại Cơ quan công an, nhưng đã đưa vụ án ra xét xử là thu thập chứng cứ chưa đầy đủ.
Hơn nữa, bà T khởi kiện đề nghị Tòa án xác định quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở đối với căn nhà nêu trên là của bà; buộc ông J trả lại giấy tờ nhà đất cho bà. Trường hợp ông J không trả lại thì đề nghị Tòa tuyên cho bà được liên hệ với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để làm lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, bản án sơ thẩm chỉ giải quyết yêu cầu đòi bản chính Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là giải quyết thiếu yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Được biết, sau khi Viện Kiểm sát kháng nghị bản án sơ thẩm, bị đơn dân sự là ông J cũng làm đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, đề nghị Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm vụ án này.