Hà Nội: Nhiều bất cập trong việc giao đất nông nghiệp

Sau gần 20 năm thực hiện giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn Hà Nội và thực hiện theo Nghị định 64/NĐ - CP của Chính phủ, các chính sách về đất đai này đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết được mối quan hệ lợi ích giữa người sản xuất nông nghiệp và Nhà nước. Tuy nhiên, từ thực tế quản lý và sử dụng quỹ đất nông nghiệp tại thành phố vẫn còn những tồn tại, đặc biệt là khi thời hạn giao đất gần hết hạn (2013).


Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội (TN - MT) cho biết, với tổng diện tích đất nông nghiệp tại Hà Nội là 167.495 ha, Hà Nội đã triển khai giao cho các hộ gia đình, cá nhân theo Nghị định 64/NĐ - CP được 135.409 ha, gồm 667.529 hộ và 2.665.459 nhân khẩu, tập trung chủ yếu ở các huyện Ba Vì (16.861 ha), Sóc Sơn (12.956 ha), Ứng Hòa (12.730 ha), Chương Mỹ (12.153 ha), Phú Xuyên (10.941 ha)... Hiện quỹ đất này còn lại khoảng 123.000 ha với 678.079 hộ và 2.719.431 nhân khẩu. Theo đó, tổng số giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp là 460.583 giấy; còn lại một số hộ chưa được cấp giấy chứng nhận là do phương án giao đất chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt, diện tích đất nằm trong quy hoạch chuyển mục đích sử dụng đất sẽ bị thu hồi, giải phóng mặt bằng hoặc đang có tranh chấp khiếu kiện, chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính với hợp tác xã.


Theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Giám đốc Sở TN - MT Hà Nội, trong quá trình giao đất nông nghiệp, các địa phương phân ra làm 4 loại: Đất nông nghiệp giao theo Nghị định 64/NĐ - CP, đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích 5%, quỹ đất vượt 5%, đất nông nghiệp khó giao. Và theo phản ánh của các quận, huyện, việc quản lý quỹ đất công ích, quỹ đất nông nghiệp khó giao tại các địa phương còn nhiều bất cập. Đặc biệt là việc lấn chiếm đất công, xây dựng trên đất nông nghiệp, tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất và cho thuê, cho mượn đất diễn ra khá phổ biến. Ngay cả quỹ đất bãi bồi ven sông cũng chưa được quản lý chặt chẽ, dẫn đến việc sử dụng tùy tiện, khó kiểm soát.


Đơn cử, qua kiểm tra tại 3 xã Tân Triều, Vạn Phúc, Vĩnh Quỳnh (huyện Thanh Trì), cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều trường hợp UBND cấp xã cho thuê đất trái thẩm quyền. Cụ thể, UBND xã Vĩnh Quỳnh đã ký hợp đồng giao khoán thu 49.471 m2 diện tích ao cho một hộ dân nuôi trồng thủy sản; UBND xã Vạn Phúc ký hợp đồng cho nhiều hợp tác xã thuê đất với thời hạn 3 năm. Đáng chú ý, số tiền thu từ cho thuê đất công và đất công ích đã bị UBND xã Vạn Phúc dùng vào mục đích chi thường xuyên, vi phạm quy định pháp luật. Tại xã Tân Triều, UBND xã cũng cho thuê đất làm bãi chứa nguyên vật liệu, bãi đỗ xe... nhưng nhiều năm chưa thu tiền cho thuê đất?


Cũng theo Phó Giám đốc Sở TN - MT Nguyễn Hữu Nghĩa, tài liệu quản lý đất đai tại thời điểm giao đất nông nghiệp theo Nghị định 64/NĐ - CP còn hạn chế, độ chính xác không cao. Trước đây, để đảm bảo công bằng, khi lập phương án giao đất cho các địa phương, mỗi hộ đều có ruộng gần, ruộng xa, ruộng tốt, ruộng xấu, nên thửa đất manh mún, phân tán, khó khăn cho việc cấp giấy chứng nhận. Sơ đồ vị trí, ranh giới thửa đất không được thể hiện, khó khăn cho việc quản lý và đưa công nghệ hiện đại vào sản xuất nông nghiệp.


Để có giải pháp tổng thể, lâu dài và mang tính ổn định cao, Sở TN - MT Hà Nội đề nghị UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo các quận, huyện, thị xã khẩn trương rà soát, kiểm tra xác định chính xác 4 quỹ đất nông nghiệp đã giao; đồng thời đẩy mạnh việc dồn điền, dồn thửa, trên cơ sở đó sẽ áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại vào sản xuất nông nghiệp, thâm canh tăng năng suất; xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính chính quy.


Thành phố đề nghị các quận, huyện, thị xã kiểm tra, rà soát đối với các xã, phường đã được UBND các huyện phê duyệt phương án giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân theo Nghị định 64/NĐ - CP nhưng chưa hoàn thành việc thực hiện phương án này thì phải tiếp tục thực hiện để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

 

Minh Nghĩa

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN