Đặc biệt, không chỉ bán đồ độc, đồ hiếm, mà đồ đạc, phụ tùng ô tô xe máy mất cắp, chỉ cần ra "chợ giời" tìm là thấy và thậm chí không ít trường hợp còn tìm thấy chính đồ của xe mình vừa mới bị mất cắp.
Hoạt động ở "chợ giời" những năm qua mặc dù không hợp pháp, nhưng nó vẫn tồn tại ngang nhiên. Các hoạt động buôn bán đồ cũ, đồ mất cắp, đồ nhái hay sửa chữa, “độ” lại đều diễn ra sôi động như một chợ chính thống mà không có một sự can thiệp nào từ cơ quan chức năng.
Tâm lý ai bị mất cắp cũng muốn đi tìm đồ hiệu, mà chuẩn hơn là chính đồ của mình bị mất cắp một cách đơn giản, hiệu quả và giá thành rẻ. Điều này, vô hình trung cũng là một sự tiếp tay “không hề nhẹ” cho các hoạt động phi pháp này tồn tại. Không biết, chợ được hình thành từ khi nào, nhưng người dân Hà Nội đã nhắc đến từ rất lâu, khi đang thịnh hành thú chơi những chiếc xe cổ.
"Chợ giời" có số liệu chính xác là 46 hộ tham gia mở ki ốt để kinh doanh các mặt hàng đồ xe máy, ô tô cũ, hoạt động từ sáng sớm đến chập chiều. Các ngày nghỉ lễ chỉ có lác đác vài hộ mở cửa. Gần đây chợ còn có thêm các hoạt động “độ” lại đồ bị hư hỏng như đèn pha, gương chiếu hậu, đồ nhựa bị vỡ.
Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, việc bán đồ cũ đang là hoạt động trái với các quy định hiện hành vì không khuyến khích bán đồ cũ nhập khẩu, cũng như tiêu thụ, tiếp tay hàng hóa mất cắp là phi pháp.
Vì vậy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết sẽ kiên quyết dẹp bỏ bán hàng cũ, hàng không có nguồn gốc xuất xứ tại "chợ giời". Thành phố đã chỉ đạo UBND quận và Công an quận Hai Bà Trưng trước mắt rà soát, xác định đích danh các hộ kinh doanh, đồng thời ký cam kết không bán hàng cũ.
Bên cạnh đó, Công an quận phối hợp với Công an thành phố Hà Nội điều tra làm rõ các đối tượng chuyên bán và tiêu thụ hàng đánh cắp để có phương án xử lý theo đúng pháp luật.