Tòa đã tuyên án phạt 5 bị cáo: Nguyễn Thùy Linh (sinh năm 1991, trú tại phường Phúc Đồng, quận Long Biên, Hà Nội) 6 năm 6 tháng tù; Nguyễn Thị Thúy (sinh năm 1980, trú tại phường Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội) 5 năm tù; Nguyễn Đức Phương (sinh năm 1983, trú tại xã Minh Khai, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) và Nguyễn Công Tuấn (sinh năm 1982, trú tại phường Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội) cùng lĩnh 4 năm tù; Nguyễn Tiến Quang (sinh năm 1995, trú tại phường Đồng Quang, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) 3 năm 6 tháng tù.
Tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Thị Thúy đã được Hội đồng xét xử triệu tập, nhưng vắng mặt. Hội đồng xét xử xác định bị cáo Thúy vắng mặt không vì lý do bất khả kháng, không do trở ngại khách quan và việc vắng mặt của bị cáo không gây trở ngại cho việc xét xử. Vì vậy, Hội đồng xét xử quyết định xét xử vắng mặt bị cáo Thúy theo quy định tại Điều 290, khoản 2, điểm d - Bộ luật Tố tụng hình sự.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân quận Tây Hồ, tháng 6/2021, Nguyễn Thùy Linh bắt đầu học việc tại một tờ báo nên quen cộng tác viên là Phương và Thúy. Một tháng sau, Linh nhận được thông tin phản ánh về bà Lê Thị B. (Hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận Tây Hồ) nhận tiền của phụ huynh xin cho con học trái tuyến với mức 5 - 10 triệu đồng mỗi em. Ngày 19/7/2021, Linh cùng Thúy đến phòng làm việc gặp bà B., đặt vấn đề xin cho con học lớp 1 trái tuyến. Tại đây, bà hiệu trưởng yêu cầu chuẩn bị hai phong bì, mỗi cái 5 triệu đồng. Thúy đã ghi âm lại cuộc trao đổi này.
Tiếp đó, Nguyễn Đức Phương giả là phụ huynh xin học trái tuyến cho con (ở tỉnh ngoài) để vào phòng bà B. đặt vấn đề xin học. Bà B. đồng ý và yêu cầu chuẩn bị hai phong bì, mỗi cái 10 triệu đồng. Việc này đã bị Phương dùng điện thoại bật chế độ quay video bí mật để ghi lại. Còn Nguyễn Tiến Quang (đang học việc tại cùng cơ quan báo chí trên) đã dùng máy quay ghi cảnh phụ huynh nói chuyện với nhau ở trước cổng trường về việc phải chi 10 triệu đồng xin học cho con.
Chiều cùng ngày, nhóm 5 người mang theo một máy quay phim lên phòng gặp bà B. nói chuyện. Tại đây, Thúy tự giới thiệu là phóng viên đến làm rõ phản ánh về việc bà nhận tiền. Nhóm này khẳng định có video, ghi âm, tin nhắn của phụ huynh và dọa "việc này mà bung ra là truy tố hình sự đấy". Sau đó, một mình Thúy ở lại phòng làm việc thỏa thuận với bà B., bốn người kia ra ngoài hết. Trước khi rời đi, Phương để lại một chiếc điện thoại đã bật sẵn ghi âm từ trước. Ở bên ngoài, Linh dặn: "Có Công an phường ở ngay gần đây nên nếu có vấn đề gì thì xông vào coi như mình vẫn làm việc bình thường”.
Cáo trạng nêu, trong phòng bà hiệu trưởng, Thúy đã dùng nhiều cách đe dọa và "ra giá" 100 triệu đồng. Mặc cả không được, bà B. buộc phải đồng ý và yêu cầu Thúy cam kết xóa hết các tài liệu liên quan. Thúy đồng ý và gọi những người còn lại vào phòng để xóa hết dữ liệu. Bà B. hai lần chuyển tiền vào tài khoản của Thúy (mỗi lần 50 triệu đồng) với nội dung "mua hàng mỹ phẩm". Trong số tiền này, Thúy, Linh, Phương mỗi người 30 triệu đồng, Tuấn và Quang mỗi người 5 triệu đồng. Tuy nhiên, Thúy giữ lại 5 triệu đồng, không chia cho Tuấn.
Sau đó, Linh chuyển dữ liệu về sai phạm của bà B. cho một người khác, cũng là cộng tác viên báo chí. Bà B. tiếp tục bị cộng tác viên này hẹn làm việc về các sai phạm nên lo sợ, dò khắp nơi để tìm nguồn phát tán. Khi bị hỏi về việc "lộ đề tài", Linh một mực chối cãi, khẳng định không chuyển thông tin cho ai.
Tối 31/7/2021, Linh chủ động gọi điện thoại cho bà B. nhắc lại chuyện nhận tiền để uy hiếp tinh thần, rồi bảo chuyển tiền để "đi xóa hết chứng cứ". Sau nhiều cuộc trao đổi, Linh yêu cầu đưa 100 triệu đồng, sau đó giảm xuống 80 triệu đồng. Hai ngày sau, Linh đề nghị bà B. nhắn tin cho mình với nội dung: "Linh ơi, lên nhà chị nhận cho chị 80 triệu đồng mua nước hoa, mỹ phẩm" để hợp thức hóa việc nhận tiền. Tối 2/8/2021, Linh vừa nhận 80 triệu đồng, đi ra từ nhà bà B. thì bị lực lượng Công an bắt giữ.
Quá trình điều tra, bà B. không thừa nhận việc nhận hối lộ từ phụ huynh xin cho con nhập học trái tuyến. Cơ quan điều tra cho rằng không có các tài liệu, chứng cứ nào khác nên chưa có đủ căn cứ kết luận, do vậy đã tách hành vi có dấu hiệu đưa nhận hối lộ liên quan đến bà B. và một số phụ huynh để tiếp tục điều tra, làm rõ.
Tại phiên tòa, các luật sư bào chữa cho bị cáo Linh và Phương đã đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ, ý kiến tranh tụng tại phiên tòa… áp dụng Điều 280 - Bộ luật Tố tụng hình sự để trả hồ sơ điều tra bổ sung vụ án. Luật sư bào chữa cho bị cáo Tuấn đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Tuấn mức án cải tạo không giam giữ.
Tuy nhiên, căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ, các tài liệu khách quan khác, Hội đồng xét xử nhận thấy những luận điểm của các luật sư bào chữa không có căn cứ chấp nhận.
Sau khi xem xét vụ án, Hội đồng xét xử kết luận: Hành vi phạm tội của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản được Luật Hình sự bảo vệ, gây mất trật tự trị an xã hội. Các bị cáo là người đã thành niên, có nhận thức đầy đủ về pháp luật. Khi thực hiện hành vi phạm tội, các bị cáo nhận thức là vi phạm pháp luật nhưng vẫn cố ý thực hiện, thể hiện sự coi thường pháp luật. Các bị cáo đã ghi âm, ghi hình và dùng những tài liệu đó để uy hiếp tinh thần đối với bị hại để chiếm đoạt tài sản. Vì vậy, cần phải áp dụng hình phạt tù có thời hạn với mức hình phạt nghiêm khắc mới đủ sức răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung.