Hàng chục ha rừng phòng hộ trên đèo Pha Đin bị khai thác trái phép

Rừng thông trên đèo Pha Đin (địa phận thuộc xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên) được trồng từ năm 1997 do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu.

Chú thích ảnh
Vết cưa hạ cây thông sắc lẹm, nhựa thông vẫn còn mới. Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN

Theo Kế hoạch số 8/KH-UBND ngày 20/2/2013 của UBND tỉnh Điện Biên về rà soát, hoàn chỉnh thủ tục giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp giai đoạn 2013 - 2015, diện tích rừng thông trồng theo dự án 327 và dự án 661 trên địa bàn xã Tỏa Tình có mục đích sử dụng là rừng sản xuất. Ngày 21/12/2018, UBND tỉnh Điện Biên ban hành Quyết định 1208/QĐ-UBND về việc phê duyệt dự án rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng tỉnh Điện Biên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Rừng thông này được quy hoạch là rừng phòng hộ. Tuy nhiên, từ tháng 4/2021 đến nay, hàng chục ha rừng thông trên con đèo huyền thoại này đã bị các đơn vị thu mua tự ý ký hợp đồng với người dân và ngang nhiên khai thác gỗ trái phép, bất chấp những luật định của pháp luật. 

Khai trường khai thác gỗ trên đèo Pha Đin huyền thoại 

Trong hai ngày 12-13/7, có mặt tại dọc tuyến quốc lộ 6 (cũ), sau khi trèo đèo, luồn rừng chúng tôi đã tiếp cận được nhiều điểm cưa hạ, sơ chế thân cây thông ngay trên khu vực lưng và đỉnh đèo. Ghi nhận của phóng viên tại các điểm, vết cưa hạ tại gốc cây sắc lẹm, màu nhựa thông vẫn còn mới. Những cây thông bị cưa hạ có kích thước đường kính, chu vi khác nhau, nhiều gốc có đường kính gần 40cm. Tại nhiều điểm, khu vực vẫn còn ngổn ngang những khúc thân cây, cành cây nằm trong rừng. Đa phần việc cưa hạ thân cây bằng máy cưa, tuy nhiên cũng có rất nhiều cây bị chặt hạ bằng dao, rựa với vết chặt nham nhở. Một vài gốc cây bị cưa một nửa thân rồi đột ngột gãy đổ xuống do cây ở vị trí dốc, sức nặng của tán lá, cành cây đè xuống.

Thực trạng rừng thông bị khai thác không chỉ diễn ra trong rừng sâu mà từ đường quốc lộ 6 (cũ) có thể nhìn thấy được vài vạt rừng thông trước đây xanh tốt giờ tan hoang, trơ trụi. Đó là kết quả của quá trình khai thác những cây thông cao, to ngã đổ dẫn đến các cây xung quanh bị gãy, nghiêng ngả.

Sau hành trình cả tiếng đồng hồ len lỏi, luồn rừng, phóng viên trở lại đường quốc lộ và “nhập vai” những người đi tham quan du lịch trên cung đường đèo Pha Đin để tiếp cận khai trường của một đơn vị thu mua, khai thác gỗ thông. Trên khu vực có diện tích rộng lớn, trải dài vắt qua tuyến đường quốc lộ 6 ngay tại con dốc cao có độ cua lớn, đơn vị thu mua gỗ đã cho tập kết nhiều máy móc, xe chuyên dụng như máy ủi, máy kéo, xe tải…  

Tại đây, để có mặt bằng sân bãi tập kết gỗ đã khai thác thu gom từ trong rừng ra trước khi bốc xếp lên xe vận xuất khỏi cung đèo, đơn vị thu mua gỗ đã huy động máy móc bạt núi, san ủi, lấp đất… Cả diện tích hàng ngàn m2 núi rừng trên cung đèo Pha Đin - Di tích quốc gia đã bị biến dạng. Môi trường và cảnh quan tự nhiên đã bị tác động, hủy hoại nghiêm trọng.

Tại khai trường này, phóng viên thấy nhiều đống gỗ (là những thân gỗ thông đã được sơ chế, cắt khúc) được chất thành đống cao ngút, nằm ngổn ngang. Lán trại ngủ nghỉ, sinh hoạt của nhân công cùng với hệ thống điện lưới, đường ống dẫn nước, khu bếp nấu, chỗ tắm rửa, khu chăn nuôi, thùng chứa nước ngọt… đã được đơn vị thu mua cho dựng ngay sát vách núi sau khi đã san ủi chân núi.

Một con đường có chiều rộng khoảng hơn 3m đấu nối vào đường quốc lộ 6, đi qua khu vực khai trường tập kết, sơ chế gỗ dẫn sâu vào rừng đến các điểm khai thác gỗ đã được đơn vị thu mua điều động máy móc, san bạt núi rừng tạo nên trước đó nhiều tháng. Không rõ đã có bao nhiêu ngàn m3 đất đá bị san bạt, ủi lấp, bao nhiêu cây rừng đã bị đốn chặt.

Chiều 12/7, khi tiếp cận khai trường này, phóng viên ghi nhận có khoảng 5 đến 6 thanh niên “túc trực” tại khu vực. Đại diện đơn vị thu mua, ông T.D.T (Tiểu khu 9, thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) cũng có mặt tại hiện trường để trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra tiến độ công việc khai thác, thu gom gỗ trên khắp công trường. Riêng tại “khai trường” trung tâm đặt trên đỉnh đèo Pha Đin, nằm sát quốc lộ 6 – cách trụ sở UBND xã Tỏa Tình (huyện Tuần Giáo) khoảng hơn 100m, hoạt động bốc dỡ, phân loại gỗ (thân cây cắt khúc) vẫn diễn ra tất bật, nhộn nhịp. Tiếng động cơ rền vang hết công suất, tiếng gỗ lăn, va đập vào nhau chát chúa làm rung động cả một vùng núi rừng. 

Ông T.D.T cho biết, đơn vị thu mua gỗ song việc khai thác chưa hề được cơ quan chức năng cấp phép. Đơn vị mua của dân, có làm hợp đồng mua bán với từng hộ dân. 60 hộ dân đã đồng ý bán gỗ cho đơn vị thu mua. Đơn vị thua mua đã làm hợp đồng mua bán riêng với từng hộ gia đình và đã đặt cọc tiền cho người dân. Việc khai thác gỗ, đơn vị thu mua đã hoàn tất cắt hạ, khai thác xong tại diện tích rừng của khoảng chục hộ. 

Chính quyền địa phương, cơ quan chức năng bất lực 

Tại buổi làm việc với phóng viên vào sáng 13/7, Chủ tịch UBND xã Tỏa Tình Lầu A Dùa khẳng định, đến thời điểm hiện tại chưa hề có một văn bản, quyết định, chủ trương nào của cấp có thẩm quyền đồng ý cho phép việc khai thác rừng thông trên đèo Pha Đin nói riêng, địa bàn xã Tỏa Tình nói chung. Đến chiều 12/7, đơn vị thu mua đã khai thác được hơn 310m3 gỗ.

Qua buổi làm việc, ông Lầu A Dùa cho biết, trước đây, 27 hộ gia đình trên địa bàn đã làm đơn xin bán gỗ thông cho đơn vị khai thác. Vì rừng thông này liên quan đến rừng phòng hộ, chính quyền địa phương đã gửi đơn của bà con về cơ quan có thầm quyền để xin ý kiến cũng như hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền để người dân có nhu cầu bán gỗ nắm rõ quy trình, thực hiện các thủ tục đầy đủ. Tuy nhiên, trong thời gian chờ ý kiến trả lời của cấp trên, các đơn vi thu mua đã đưa máy cưa lên đèo, vào khu vực đồi san bạt núi làm đường và cưa hạ cây. Tham gia vào việc cưa hạ cây không chỉ có những người của đơn vị thu mua mà còn có cả bà con dân bản cũng tự đi cưa hạ cây cho các đơn vị thu mua. Ông Lầu A Dùa khẳng định: “Đơn vị thu mua không chọn lọc cắt tỉa cây, có cây nào to là bị họ cưa hạ hết. Bà con dân bảncho đơn vị thu mua cưa hạ cây nhiều quá”.
 
Về nguyên nhân dẫn đến tình trạng rừng trên đèo Pha Đin bị khai thác trái phép, ông Lầu A Dùa, Chủ tịch UBND xã Tỏa Tình cho biết: Xã có nắm được sự việc này và không cho phép các đơn vị thu mua được khai thác. Tuy nhiên, đơn vị thu mua nói đã làm việc với lãnh đạo cấp huyện, tỉnh Điện Biên và cơ quan chức năng rồi nên chính quyền xã cũng đành... “không biết nói gì”. Vụ việc xảy ra, một phần do chính quyền xã quản lý yếu, kiểm lâm tham mưu không sát, vụ việc đang có quá nhiều sai phạm.
 
Ông Phạm Việt Hùng, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tuần Giáo cho biết: Theo quyết định số 1208 ngày 21/12/2018 của UBND tỉnh Điện Biên về phê duyệt dự án rà soát điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng, tất cả rừng thông trên đèo Pa Đin được quy hoạch vào diện tích rừng phòng hộ. Theo quy định của Luật Lâm nghiệp và Nghị định 156, Thông tư 27, đại diện chủ sở hữu rừng thông này là của Nhà nước. Do vậy, cấp có thẩm quyền phê duyệt việc khai thác phải là UBND tỉnh Điện Biên mới đủ thẩm quyền để phê duyệt. Hiện tại, chưa hề có chủ trương phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền việc cho phép khai thác rừng thông này. Việc khai thác diễn ra là do các đơn vị lên thu mua với bà con rồi đứng ra làm thủ tục xin khai thác cho người dân.

Chú thích ảnh
Theo chính quyền xã Tỏa Tình (huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên), đến thời điểm hiện tại, chưa có 1 văn bản nào cho phép khai thác rừng thông nhưng đến ngày 12/7/2021, đơn vị thu mua đã khai thác được hơn 300m3 gỗ thông. Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN

Theo ông Phạm Việt Hùng, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tuần Giáo cho biết: Hạt đã tuyên truyền miệng cho người dân dừng hoạt động khai thác, cưa hạ thông từ hơn 1 tháng nay. Về tổng diện tích rừng thông, số lượng cây bị khai thác, khối lượng gỗ thành phẩm đã vận xuất khỏi hiện trường, Hạt Kiểm lâm địa phương chưa nắm được. Đến ngày 13/7, đối với vụ việc rừng thông thuộc rừng phòng hộ trên đèo Pha Đin bị khai thác trái phép, Hạt kiểm huyện chưa có báo cáo gửi về Chi cục Kiểm lâm tỉnh Điện Biên.        

Cương quyết xử lý nghiêm, cấp nào làm sai phải chịu trách nhiệm

Liên quan vụ việc, bà Phạm Thị Tuyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên cho biết: Ngày 12/7, qua kiểm tra tại xã Tỏa Tình, diện tích rừng thông được trồng từ Dự án 661 có hơn 100 ha. Vào năm 2020, người dân ở bản Hua Sa A có ý kiến đề nghị được khai thác đối với diện tích hơn 45 ha rừng thông được trồng từ năm 1997. UBND tỉnh Điện Biên đã giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, trả lời về vấn đề này. Ngày 17/11/2020, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có văn bản số 2249 về hướng dẫn trình tự khai thác gỗ rừng trồng phòng hộ theo kiến nghị của người dân xã Tỏa Tình. Tuy nhiên, văn bản này, UBND huyện Tuần Giáo không trực tiếp nhận được mà Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gửi cho chính quyền xã Tỏa Tình (huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên). Tiếp nhận văn bản này, lực lượng Kiểm lâm tham mưu chưa chuẩn cho chính quyền xã, do vậy, việc phổ biến nội dung đến người dân trong bản không được rõ ràng. 

Còn ông Đinh Văn Cường, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Tuần Giáo cho biết: “Văn bản số 2249/SNN-CCKL ngày 17/11/2020 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (do ông Trần Văn Thượng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ký) về việc hướng dẫn trình tự, thủ tục khai thác gỗ rừng trồng phòng hộ do Nhà nước là chủ sở hữu. Văn bản này cũng có trích lục toàn bộ văn bản quy định về trình tự khai thác”. Ông Phạm Việt Hùng, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tuần Giáo cho biết: “Theo văn bản số 2249, phương thức khai thác cây đứng thực hiện theo cường độ khai thác 20% trữ lượng rừng và sau khi khai thác độ tầm che phải lớn hơn 0,6. Đây là nội dung theo Luật Lâm nghiệp”.

Tuy nhiên, hồ sơ trình tự, thủ tục khai thác chưa hoàn tất, cơ quan chức năng có thẩm quyền chưa có quyết định, chủ trương cho khai thác, người dân và các đơn vị thu mua đã “cầm đèn chạy trước ô tô” ồ ạt lên rừng cưa hạ, khai thác rừng thông. 

Bà Phạm Thị Tuyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên xác nhận: Qua kiểm tra hồ sơ xin khai thác gỗ của người dân, chỉ có một tập đơn, chưa đầy đủ các giấy tờ, thủ tục liên quan. Tập đơn này đang trình Chi cục Kiểm lâm tỉnh Điện Biên để chờ ý kiến, phương án. 

Phó Chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo khẳng định: Vụ việc khai thác rừng thông ở đèo Pha Đin là sai phạm vì chưa hề có giấy phép khai thác. Đặc biệt, nếu có giấy phép khai thác cũng phải có lực lượng quản lý việc thực hiện giấy phép này để đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật trong khai thác. Đáng buồn là khi vụ việc xảy ra, chính quyền xã, Kiểm lâm địa bàn chủ quan không báo cáo cho huyện nên đến ngày 12/7, đoàn của huyện đi công tác tại địa bàn xã Tỏa Tình, được chính quyền xã báo cáo lại nên chúng tôi mới biết vụ việc. “Do năng lực của xã còn kém, hạn chế, thực tế xã đã buông lỏng quản lý trong thời gian qua”, bà Phạm Thị Tuyên nói.
 
Về quan điểm xử lý vụ việc, trách nhiệm quản lý của các cấp chính quyền khi để xảy ra vụ việc, bà Phạm Thị Tuyên thẳng thắn cho biết: Huyện Tuần Giáo sẽ yêu cầu xã Tỏa Tình tổ chức họp kiểm điểm, cương quyết làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tập thể khi để xảy ra vụ việc này. Về phía huyện, do thời gian qua phải tập trung phòng, chống dịch COVID-19 và thực hiện mục tiêu kép phát triển sản xuất; cùng với đó do công tác kiện toàn lãnh đạo huyện còn mới nên lãnh đạo chưa đi hết các địa bàn xã để quản lý, theo dõi tình hình địa phương. Đó cũng là một phần thiếu sót đối với lãnh đạo cấp huyện. Tuy nhiên, “Cấp nào làm sai, cấp đó phải chịu trách nhiệm”, bà Phạm Thị Tuyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo khẳng định.

Hệ lụy của việc rừng thông trên cung đèo Pha Đin bị khai thác trái phép đã rõ. Cảnh quan môi trường tự nhiên của Di tích cấp quốc gia đèo Pha Đin huyền thoại bị tổn thương, xâm hại nghiêm trọng. Không biết bao nhiêu cây thông nhiều năm tuổi đã bị cưa hạ, hằng trăm khối gỗ đã bị vận xuất khỏi hiện trường...

Xuân Tiến - Xuân Tư (TTXVN)
Điều tra vụ phá rừng dưới chân Núi Voi theo phản ánh của báo chí
Điều tra vụ phá rừng dưới chân Núi Voi theo phản ánh của báo chí

Ngày 30/6/2021, UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết đã ra văn bản số 4346/UBND-LN, về việc khẩn trương điều tra, xử lý vụ phá rừng trái pháp luật dưới chân Núi Voi, thuộc tiểu khu 267C, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, theo phản ánh của các cơ quan thông tấn, báo chí.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN