Năm 2008, UBND xã Ea Mroh tham mưu cho UBND huyện Cư M’gar giao 692 ha rừng tại tiểu khu 564 trong tổng số 937 ha rừng tự nhiên trên địa bàn xã cho 84 hộ dân ở thôn 20, buôn Ea Mroh và buôn Chua quản lý, bảo vệ. Chỉ sau một thời gian ngắn, khoảng 200 ha rừng được giao đã bị phá trắng, biến thành đất sản xuất.
Anh Nguyễn Duy Kháng, cán bộ địa chính xã dẫn chúng tôi vào những nơi trước đây là rừng tự nhiên đã được giao khoán cho người dân bảo vệ, chăm sóc. Những cánh rừng tự nhiên trước đây nay đã bị người dân phá trắng, thay thế vào chỗ của cây rừng là các diện tích ngô, sắn, mía, cà phê, điều xanh ngút mắt. Theo anh Kháng, cuối năm 2010, địa chính xã đã đi kiểm kê lại hiện trạng đất đai trên địa bàn xã và phát hiện ít nhất 150 ha rừng giao khoán đã bị phá trắng. Từ đầu năm 2011 đến nay, các hộ được nhận khoán bảo vệ rừng tiếp tục phá rừng mạnh hơn nên diện tích rừng bị phá ngày càng tăng.
Tại một vạt rừng khộp, le khá dốc hiếm hoi còn sót lại, chúng tôi bắt gặp một nhóm người cùng các phương tiện như máy cày, cưa máy… đang “trảm” nốt những cây rừng cuối cùng, chuẩn bị đất để gieo trồng. Thấy người lạ cùng máy quay phim, chụp ảnh, họ dừng tay cất đồ nghề phá rừng lên máy cày rồi nổ máy bỏ đi. Anh Kháng cho biết: Đây là diện tích rừng đã được giao cho hộ ông Nguyễn Mậu Đằng trú ở thôn 20 quản lý, bảo vệ. Hộ ông Đằng được giao quản lý, bảo vệ, chăm sóc tới 22,8 ha nhưng đến nay toàn bộ diện tích này đã bị họ tự ý “trảm” sạch để lấy đất trồng các loại cây khác sai mục đích.
Có thể nói thôn 20 là tâm điểm phá rừng nhận khoán của xã Ea Mroh. Toàn bộ diện tích khoảng 200 ha rừng được giao cho 42 hộ dân ở thôn 20 đã bị các hộ dân nơi đây tự ý “trảm” sạch. Tình trạng phá rừng giao khoán ở buôn Chua và buôn Ea Mroh tuy được đánh giá là ít “nóng” hơn nhưng cũng không kém phần nghiêm trọng. Theo phản ánh của người dân, hầu hết những mảng rừng xanh tốt nhất, địa hình bằng phẳng đều bị các hộ được nhận khoán “trảm” sạch để lấy đất trồng các loại cây khác. Số diện tích ít ỏi còn lại chỉ tồn tại được do địa hình hiểm trở. Nhưng “hết nạc thì vạc đến xương”, diện tích rừng tự nhiên còn lại này cũng đang có nguy cơ bị biến mất.
Anh Kháng cho biết: Tình trạng các hộ nhận khoán bảo vệ rừng ở Ea Mroh tự ý phá rừng lấy đất sản xuất đã diễn ra trong một thời gian dài. Hàng năm, trong các cuộc kiểm kê đất đai, địa chính xã cũng đã phát phát hiện tình trạng trên, báo cáo với chính quyền địa phương và cơ quan chức năng. Tuy nhiên, không hiểu lý do gì mà hành vi phá rừng không được ngăn chặn, xử lý kịp thời. Hạt Kiểm lâm huyện Cư M’gar cũng đã bố trí một cán bộ kiểm lâm địa bàn thường trực tại xã Ea Mroh, nhưng cho đến nay chưa một trường hợp nào trong “phong trào” phá rừng nhận khoán ở Ea Mroh bị phát hiện xử lý. Hơn 300 ha rừng chưa được giao khoán do bị đối xử theo kiểu “cha chung không ai khóc" nên phần lớn đã bị “xóa sổ”, biến thành đất sản xuất.
Làm việc với chúng tôi, ông Lê Văn Hậu – quyền Chủ tịch UBND xã Ea Mroh cho biết: Do mới được giao quyền chủ tịch nên không nắm rõ tình trạng trên. Theo ông Hậu thì những hộ nhận khoán rừng sau đó phá rừng là những hộ nghèo khó, không có đất sản xuất, nên dù biết hành vi phá rừng là phạm pháp nhưng vì thấy rừng nghèo, ít cây, họ “tiếc rẻ” nên phá để tận dụng lấy đất sản xuất. Tuy nhiên theo tìm hiểu của chúng tôi, những hộ phá rừng này chưa hẳn đã là hộ nghèo, bởi trước khi chưa được giao khoán bảo vệ rừng, họ cũng đã tự ý phá rừng lấy đất sản xuất, hộ ít cũng đã có 4 – 5 ha, hộ nhiều tới cả chục ha. Cách thức phá rừng cũng không phải là của người nghèo: Dùng cưa máy, phương tiện cơ giới phá hàng chục ha rừng và hầu hết diện tích rừng bị phá trắng đều thuộc các hộ được nhận khoán nhiều. Từ số liệu của địa chính xã, có thể “điểm mặt” một số hộ “anh tài” trong nạn phá rừng ở Ea Mroh: Hộ Ngô Thị Phú phá trắng 22 ha, hộ Y Biên phá 21 ha, hộ Nguyễn Mậu Đằng phá 22,8 ha, hộ Hà Văn Bính phá 20 ha… Vậy nên không thể nói các hộ này là “nghèo khó”, không có đất sản xuất được.
Ông Lê Văn Hậu còn cho rằng: Trước mắt cần tiếp tục cho các hộ dân được canh tác trên diện tích rừng đã bị họ phá trong khoảng thời gian từ 3 – 5 năm, sau đó Nhà nước có chính sách cấp cây giống, phân bón và trả công cho họ trồng lại rừng. Đề xuất này chẳng khác gì “bật đèn xanh” cho các hộ nhận khoán bảo vệ rừng.
Với cách ứng xử của các cơ quan chức năng và cá nhân có thẩm quyền như thời gian vừa qua, nguy cơ toàn bộ hơn 900 ha rừng tự nhiên ở xã Ea Mroh bị “xóa sổ” sẽ là hiện thực.
Bài và ảnh: V.Dũng