Trước đó, theo phản ánh của một số người dân, khoảng đầu tháng 9/2018, một trang mạng xã hội Facebook đăng thông tin "Trường dạy lái xe ô tô uy tín, giá rẻ nhất Đắk Lắk" với những lời mời chào khuyến mãi như: giảm học phí chỉ duy nhất khóa cuối năm với học phí lấy bằng B2 chỉ từ 6 - 8 triệu, bằng C từ 8-10 triệu; cam kết học phí trọn gói không phát sinh đến khi lấy bằng; có xe đời mới cho học viên tập lái; giáo viên dạy nhiệt tình và đặc biệt là học viên theo học tại đây sẽ được "bao đậu" 100%…
Để tạo lòng tin cho các học viên, trụ sở của trung tâm số 263A Phan Châu Trinh, thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk có gắn bảng hiệu "Trung tâm đào tạo và sát hạch lái xe Đại học Phòng cháy, chữa cháy - Bộ Công an", kèm theo số điện thoại hỗ trợ 24/7 (08.813.879). Vì tin tưởng vào những lời rao này, hàng trăm học viên đã đến đóng tiền để theo học tại trung tâm.
Anh Hồ Viết Nam, 28 tuổi, trú tại thành phố Buôn Ma Thuột, cho biết: "Do đang có nhu cầu đi học bằng lái xe hạng C để kiếm việc làm, đầu tháng 9-2018, thông qua thông tin đăng trên mạng xã hội Facebook, tôi được biết đây là trường của Bộ Công an, uy tín nên tôi đã đóng số tiền hơn 6 triệu đồng để theo học tại Trung tâm.
Sau khi đóng tiền, các học viên không chỉ không được học như những lời mời chào mà còn bị người Trung tâm gò ép, học lý thuyết chỉ được 2 tiếng đồng hồ, học thực hành thì thiếu xe".
Anh Nguyễn Văn Lam, 32 tuổi, huyện Krông Pắk bức xúc: "Tôi đăng ký học khóa đầu tiên tại Trung tâm. Sau gần 3 tháng theo học, đến đầu tháng 1/2019, Trung tâm thông báo lịch thi sát hạch tại thành phố Buôn Ma Thuột để cấp bằng.
Tuy nhiên, sau đó, Trung tâm đã nhiều lần thông báo trì hoãn, đổi địa điểm thi sang tỉnh Gia Lai và sau đó là Hà Nội, Trung tâm sẽ lo chi phí vé máy bay khứ hồi cho học viên. Ngày 9/1/2019, gần 20 học viên được Trung tâm mua vé máy bay cho ra Hà Nội thi.
Khi ra đến Hà Nội, Trung tâm lại thông báo các học viên phải xuống tận Trường Đại học Phòng cháy, chữa cháy - Bộ Công an đóng tại tỉnh Hòa Bình thi. Sau khi thi xong, các học viên đều phải tự mua vé máy bay quay về lại Buôn Ma Thuột. Khi được mọi người phản ánh, Trung tâm hứa sẽ trả lại số tiền này. Nhưng đến nay, Trung tâm đã đóng cửa, chúng tôi không liên lạc được với người của Trung tâm"
Theo tìm hiểu của phóng viên, từ đầu tháng 9/2018 đến nay, Trung tâm đào tạo và sát hạch lái xe Đại học Phòng cháy, chữa cháy - Bộ Công an đã có 3 đợt tuyển sinh với hơn 400 học viên. Mỗi học viên theo học trung bình đóng số tiền từ 6 - 8 triệu đồng.
Trao đổi với phóng viên, ông Trịnh Hữu Kiệm, Trưởng Phòng Quản lý vận tải phương tiện người lái - Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đắk Lắk cho biết: "Hiện, trên địa bàn tỉnh chỉ có 8 cơ sở đào tạo nghề được quyền tuyển sinh học viên học lái xe ô tô. Tất cả các cơ sở này đều do Sở Giao thông Vận tải cấp phép, quản lý và có địa điểm, cơ sở rõ ràng. Với cơ sở tuyển sinh tại số 263A Phan Chu Trinh, Sở không nắm được thông tin, do không thuộc thẩm quyền quản lý của đơn vị".
Theo ông Phan Trọng Tùng, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk, đầu tháng 10/2018, Sở có nhận được thông tin từ Công an tỉnh Đắk Lắk về việc có cơ sở tuyển sinh, đào tạo lái xe ô tô tại số 263A Phan Chu Trinh, thành phố Buôn Ma Thuột. Cơ sở này lấy danh là Chi nhánh của Trường Đại học Phòng cháy, chữa cháy - Bộ Công an. Chúng tôi đã có văn bản gửi Trường Đại học Phòng cháy, chữa cháy xác minh đây có phải là cơ sở đào tạo của đơn vị hay không".
Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh đã nhận được văn bản trả lời của Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy khẳng định, đến thời điểm hiện tại, Trung tâm dạy nghề, đào tạo và sát hạch lái xe thuộc Trường Đại học Phòng cháy, chữa cháy không mở bất kỳ một cơ sở nào tại địa chỉ số 263A Phan Chu Trinh, thành phố Buôn Ma Thuột. Qua đây có thể khẳng định rằng, đây là cơ sở giả mạo, có dấu hiệu lừa đảo. Ông Tùng khẳng định.
Hiện, Trung tâm đã đóng cửa, các số điện thoại ghi trên bảng hiệu đều không liên lạc được. Phóng viên sẽ thông tin thêm về vụ việc.