Vượt qua hơn 20 km đường rừng ngập ngụa bùn đất bằng chiếc xe đặc chủng của Lâm trường Buôn Ja Wầm (thuộc Công ty Đầu tư và phát triển Buôn Ja Wầm – đơn vị chủ rừng), chúng tôi đến được thôn H’mông (xã Ea Kiết, huyện Cư M'Gar, tỉnh Đắk Lắk).
Gọi là thôn, bởi nó gồm 3 làng: Làng ngoài, làng giữa và làng trong. Các làng này được phân bố trên 3 tiểu khu 540, 544 và 547, mỗi làng cách xa nhau ít nhất cũng 5 – 7 km đường rừng.
Trong cái chốn rừng xanh núi thẳm ấy những tưởng chỉ có lâm tặc liều lĩnh mới dám qua mặt bảo vệ rừng mò mẫm vào khai thác gỗ trộm, nhưng hiện ra trước mắt chúng tôi lại là những khoảnh rừng tự nhiên bị người dân phá để làm rẫy, nhiều cây gỗ lớn bị đốt cháy vẫn còn nghi ngút khói. Xung quanh ngôi làng, rừng xanh đã bị phá đến trống hoác. Anh Nguyễn Thanh Lộc, cán bộ bảo vệ rừng (BVR) của lâm trường, cho biết: “Những khu rừng với đất đai màu mỡ xung quanh các ngôi làng này đều đã bị phá trụi hết.
Những khoảnh rừng này bị người dân đốt phá để chuẩn bị cho việc gieo trồng khi mùa mưa đến”. Khi được hỏi vì sao không ngăn chặn hành vi người dân phá rừng, anh Lộc cho biết: Các hộ ở đây thường tổ chức phá rừng vào ban đêm và làm theo kiểu “đổi công hội đồng” luân phiên cho nhau nên “tiến độ” phá rất nhanh. Họ cho người canh chừng, nếu thấy lực lượng BVR đến, lập tức dùng điện thoại di động thông báo cho những người đang phá rừng rút lui. Lực lượng BVR đi, họ quay lại tiếp tục phá. Cứ thế, hàng trăm ha rừng thi nhau biến mất.
Ông Hoàng Chú Páo, người được chính quyền xã Ea Kiết chỉ định làm thôn trưởng lâm thời của thôn H’mông, cho biết: Thôn hình thành hơn 10 năm nay. Người đầu tiên định cư ở đây là một người dân tộc H'mông làm thuê cho lâm tặc. Khi phát hiện thấy vùng đất này bằng phẳng lại màu mỡ liền về quê ở tận Hà Giang đưa mấy gia đình họ hàng vào khai khẩn lập nghiệp.
Từ đó, họ kéo dần các hộ thân, quen vào đây phá rừng lập làng. Vì khi đi không cắt hộ khẩu, không trình báo chính quyền địa phương nên hiện 107 hộ với khoảng 600 nhân khẩu ở đây không ai có hộ khẩu. Đất đai màu mỡ, bao la, lại có thêm nghề rừng nên hầu như các hộ không còn lo cái đói. Nhưng dường như cuộc sống của họ vẫn không thể “thay màu” được. Hầu hết trẻ em đều thất học.
Điện, đường, trường, trạm vẫn còn là những khái niệm “xa xỉ”. Đêm đến, hầu hết các gia đình vẫn tù mù dưới ánh đèn dầu, vài nhà khá giả nhất thôn thì xài bình ắc quy để xem tivi đen trắng. Sự sống của cư dân thôn H’mông thực sự vẫn chưa “thay màu” tươi mới so với quê cũ. Trong khi đó, theo ông Dương Văn Sơn, Giám đốc Công ty Đầu tư và phát triển Buôn Ja Wầm thì khoảng 400 ha rừng của công ty đã bị họ phá trắng.
Để giải quyết triệt để vấn đề trên, cả chủ rừng và chính quyền nhiều lần phối hợp đưa dân ra khỏi rừng nhưng bất thành. Trước tình hình đó, năm 2009, UBND tỉnh Đắk Lắk đã giao huyện Cư M’Gar thực hiện dự án tái định cư cho toàn bộ cư dân của thôn H’mông với tổng vốn gần 19 tỷ đồng. Dự án này được xây dựng trên diện tích 15 ha đất rừng thu hồi tại tiểu khu 547.
Đến nay, dự án đã thực hiện xong phần san ủi mặt bằng và đang xây dựng điện, đường, trường, trạm. Mục tiêu là các hộ sau khi đến định cư ở đây sẽ được thụ hưởng những tiện nghi tối thiểu của cuộc sống hiện đại.
Nhưng việc vận động họ ra nơi ở mới khá khó khăn. Trưởng thôn Hoàng Chú Páo cho biết: Sau hàng chục lần họp dân, cán bộ tích cực vận động nhưng đến giờ mới chỉ có vài chục hộ gật đầu đồng ý. Số còn lại vẫn mang nặng tâm lý: Ra khu tái định cư sẽ không được đi săn con thú, không còn được tự do phá rừng, sợ đi làm rẫy xa, mất cái rẫy tốt đang làm… Họ vẫn chưa nghĩ đến tương lai xa hơn cho đám con trẻ.
Việc người dân quyết bám trụ trong rừng xanh núi đỏ, đồng nghĩa với việc rừng đầu nguồn ở đây tiếp tục mất. “Nếu không đưa được dân vào vùng tái định cư thì rừng ở đây sẽ tiếp tục bị tàn phá với tốc độ khủng khiếp hơn”, ông Dương Văn Sơn – Giám đốc Công ty Buôn Ja Wầm bày tỏ.
Điều tiên quyết để giải quyết vấn đề hiện nay là cần có một “liệu pháp tinh thần” để người dân nơi đây tin tưởng di dời ra vùng tái định cư trước khi những cánh rừng tự nhiên ở đây bị xóa sổ hoàn toàn.
Việt Dũng