Rừng ở Vườn quốc gia Yok Đôn:

Hết nạc, lâm tặc vạc đến... xương

Sau chầu nhậu vỉa hè “sương sương”, Tr “toét” - một lâm tặc dạng “cò con” quả quyết: Tình trạng phá rừng ở Vườn quốc gia ( VQG) Yok Đôn không hề giảm. Do các loại gỗ quý như, trắc, cầm lai, cà te, giáng hương… hiện còn rất ít nên lâm tặc bắt đầu quay sang khai thác trộm theo kiểu “tận thu” các cây gỗ nhỏ, có giá trị rẻ hơn như: căm xe, chiêu liêu, cà chít vàng. Trong khi đó, ông Trần Văn Thành – Quyền giám đốc VQG Yok Đôn lại khẳng định chắc nịch: Nhờ có những biện pháp mạnh và hiệu quả, đến nay tình trạng phá rừng ở VQG Yok Đôn đã giảm hơn 80%. Vậy đâu là sự thật?

 

*“Hết nạc thì vạc đến xương”

 

Lâm tặc dùng cưa máy “cưa, xẻ” lấy đi những hộp gỗ vuông vức, bỏ lại hiện trường những phách bìa và cành ngọn. Ảnh: Anninhthudo

 

Để chứng minh mình không nói “điêu”, sáng sớm 6/1, đối Tr “toét” chủ động gọi điện thoại tình nguyện dẫn chúng tôi vào rừng Yok Đôn để “ba mặt một lời”. Khác những lần trước, chúng tôi phải thuê người dẫn đường, thuê phương tiện luồn sâu vào rừng để tận mắt chứng kiến cảnh “thảm sát” gỗ quý, lần này sau khi bỏ lại xe bên lề tỉnh lộ 1, người dẫn đường dẫn chúng tôi theo một lối mòn. Lội bộ chưa đến 1km vào trong tiểu khu 448, thuộc khu vực quản lý của Trạm Kiểm lâm số 2 – Hạt Kiểm lâm VQG Yok Đôn, chúng tôi đã bắt gặp rất nhiều gốc cây gỗ có đường kính từ 30 – 70cm vừa bị lâm tặc đốn hạ. Trên hầu hết các gốc cây, bút lục của lực lượng kiểm lâm trên gốc cây đều ghi ngày phát hiện đầu tháng 1/2013 hoặc cuối tháng 12/2012. Nhiều gốc mới bị đốn hạ, chưa có bút lục của lực lượng kiểm lâm. Nhựa từ các gỗ cây vẫn đang ứa ra đỏ au, cành lá mới bị héo. Tr “toét” bật mí: “mấy anh đừng tin tất cả những chữ (bút lục – pv) trên gốc cây đều là của kiểm lâm nhé. Bọn lâm tặc chúng tôi nhiều đứa thủ sẵn bút sơn, sau khi đốn xong cây, xẻ thành phách, rỗi rãi thì bắt chước kiểm lâm ghi ngày phát hiện vào chơi. Vậy mới có những chữ ghi nghệch ngoạc như vậy chứ. Đứa nào cẩn thận hơn thì lấy nhớt thải đổ lên vết cưa, vài bữa nhìn như cây bị đốn hạ lâu lắm rồi”.

 

Cũng theo người dẫn đường, trước đây lâm tặc vào Yok Đôn hầu hết là để cưa trộm các loại gỗ quý như cẩm lai, cẩm chỉ, cà te, giáng hương… nhưng hiện các loại gỗ quý này hầu như không còn hoặc còn lại rất ít, phải đi xa, khó khai thác nên nhiều lâm tặc chuyển qua khai thác các cây gỗ non, có đường kính nhỏ, giá trị kinh tế thấp hơn như căm xe, chiêu liêu, cà chít… Chúng tôi tiếp tục đi sâu vào rừng, những gì chứng kiến khiến các thành viên trong nhóm đều xót xa trước cảnh tan hoang của khu rừng cấm lớn nhất nước này. Trong vòng bán kính hơn 1km mà chúng tôi lội bộ thực tế không còn bóng dáng các loại gỗ quý như: trắc, cẩm lai, cẩm chỉ, cà te, giáng hương…. Nơi đâu cũng thấy ngổn ngang những gốc cây gỗ căm xe, chiêu liêu, cà chít… vừa bị lâm tặc đốn hạ. Đây là các loại gỗ có giá trị kinh tế thấp hơn, nhưng những cây lớn cũng gần như bị lâm tặc đốn sạch. Thậm chí nhiều cây căm xe, chiêu liêu… non, có đường kính chưa tới 30cm cũng bị lâm tặc đốn hạ, lấy đi phần thân thẳng nhất. Các cây gỗ sau khi bị đốn hạ, lâm tặc còn ung dung xẻ thành hộp, thành phách ngay tại chỗ rồi chọn những phách tốt nhất chở đi. Một thành viên trong nhóm có ý định đếm xem có bao niêu gốc cây mới bị đốn hạ mà chúng tôi bắt gặp trong chuyến thực tế nhưng sau một hồi lẩm nhẩm anh này cũng lắc đầu không nhớ nổi vì quá nhiều.

 

* Và “lạc quan tếu” về công tác bảo vệ rừng

 

Những gì chứng kiến mới chỉ dừng lại ở việc đi vào một lối mòn ngẫu nhiên đã khiến các thành viên trong nhóm thở dài thườn thượt trước thảm họa phá rừng ở Yok Đôn. Chắc chắn rằng, nếu có sức lội hết 120 tiểu khu của khu rừng cấm lớn nhất nước này thì người lạc quan nhất cũng phải ngao ngán cho công tác quản lý, bảo vệ rừng ở Yok Đôn. Thực tế là vậy, nhưng trong lần tiếp xúc với báo chí mới đây, ông Trần Văn Thành – Quyền giám đốc VQG Yok Đôn khẳng định chắc nịch: sau khi về nhậm chức tại đây, ông đã cho triển khai hàng loạt biện pháp mạnh và đã đem lại hiểu quả lớn., nên cho đến nay tình trạng phá rừng ở Yok Đôn đã được ngăn chặn hơn 80%.

 

Có lẽ lời khẳng định của người đứng đầu cơ quan quản lý rừng cấm Yok Đôn còn quá mang nặng vấn đề thành tích. Bởi với những gì chúng tôi đã chứng kiến thì nạn phá rừng ở Yok Đôn không hề giảm, thậm chí lâm tặc đang thực hiện khai thác rừng theo kiểu “tận thu”. Cách đây không lâu, gỗ lực lượng kiểm lâm Yok Đôn liên tục phát hiện gỗ lậu với số lượng lớn giấu ở dưới sông Sêrêpốk. Hai con voi trưởng thành bị bắn để lấy ngà trong vùng lõi của Vườn. Mỗi tháng phát hiện hàng trăm cây gỗ quý bị lâm tặc đốn hạ. Những khu rừng ở khu vực sát biên giới được phối hợp bảo vệ nghiêm ngặt vẫn liên tục bị lâm tặc chặt trộm gỗ. Đến việc lâm tặc đang trộm gỗ theo kiểu tận thu như chúng tôi chứng kiến… thì việc khẳng định rừng cấm Yok Đôn đang được bảo vệ tốt chẳng khác gì thói “lạc quan tếu”.

 

Với lực lượng quản lý, bảo vệ tới 221 người, các trạm kiểm lâm rải khắp trong rừng và chốt chặn dọc sông Sêrêpốk. Trên tỉnh lộ 1 – tuyến đường “huyết mạch” để lâm tặc chở gỗ lậu đi tiêu thụ - có các chốt trạm liên ngành canh gác 24/24 giờ, lực lượng kiểm đông cơ động tuần tra liên tục…, thì việc lâm tặc chặt trộm rồi vận chuyển gỗ lậu ra khỏi VQY Yok Đôn đem đi tiêu thụ giống như chuyện “con voi chui lọt lỗ kim”. Vậy nhưng thực tế lâm tặc vẫn vào rừng như chốn không người, ngang nhiên đốn hạ gỗ quý, rọc thành hộp, thành phách rồi dùng các phương tiên cơ giới vận chuyển ra khỏi rừng hàng ngàn m3 gỗ quý mỗi năm.

 

Vườn quốc gia Yok Đôn có diện tích gần 115.000 ha, là VQG có diện tích lớn nhất nước. Vườn có hệ sinh thái rừng khộp đặc trưng, với sự đa dạng sinh học, hệ động thực vật rất phong phú, với 89 loài thú, 350 loài chim, 64 loài bò sát và 858 loài thực vật. Tuy nhiên, với những gì đang diễn ra, nguy cơ VQG Yok Đôn biến thành khu rừng cấm rỗng ruột đang hiện hữu.

 

 

Việt Dũng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN