Thiếu nhi Thủ đô xem tranh dự thi với chủ đề “Hãy lên tiếng để bảo vệ trẻ em khỏi bạo lực, xâm hại”. Ảnh minh họa: Kim Anh/TTXVN |
Khó thu thập chứng cứ, chế tài chưa đủ răn đe
Thời gian qua, nhiều vụ việc liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em gây bức xúc trong dư luận. Trong đó, tại phiên tòa phúc thẩm ngày 11/5 vừa qua, Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tuyên bị cáo Nguyễn Khắc Thủy (SN 1940, ngụ TP Vũng Tàu) 18 tháng tù cho hưởng án treo về tội “Dâm ô với trẻ em”.
Theo cáo trạng, vào khoảng từ tháng 4 đến tháng 5/2014, Nguyễn Khắc Thủy đã thực hiện hai vụ dâm ô đối với 2 cháu gái tại chung cư Lakeside (phường Nguyễn An Ninh, thành phố Vũng Tàu). Trước đó, tại phiên xử sơ thẩm diễn ra vào tháng 11/2017, bị cáo Thủy bị Tòa án nhân dân thành phố Vũng Tàu tuyên phạt 3 năm tù giam.
Tuy nhiên, trong phiên xử phúc thẩm, Hội đồng xét xử chỉ tuyên bị cáo Thủy có hành vi dâm ô với một cháu gái, cháu còn lại không đủ căn cứ để chứng minh hành vi của bị cáo. Hình phạt cho bị cáo Nguyễn Khắc Thủy cũng được giảm nhẹ với các lý do bị cáo là đảng viên, từng có nhiều đóng góp, sức khỏe yếu…
Việc giảm án từ 3 năm tù giam xuống còn 18 tháng tù treo đối với Nguyễn Khắc Thủy đang gây bức xúc trong dư luận. Mức án này dành cho Nguyễn Khắc Thủy đang khiến dư luận cho là quá nhẹ, chưa tương xứng với tính chất, mức độ, hậu quả mà tội phạm đã gây ra.
Tòa án nhân dân Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh cũng đã ký quyết định kháng nghị giám đốc thẩm đối với vụ án này, đồng thời yêu cầu Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tạm đình chỉ công tác đối với chủ tọa phiên tòa.
Kháng nghị giám đốc thẩm của Tòa án nhân dân Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh nêu rõ, bản án mà Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xử chưa nghiêm minh, chưa đúng tính chất và mức độ, hành vi phạm tội…
Như vậy, qua vụ việc này một lần nữa cho thấy, việc xét xử với tội phạm có hành vi “dâm ô với trẻ em” hiện gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong việc thu thập chứng cứ.
Theo bộ Luật Hình sự (2015) thì hành vi xâm hại tình dục trẻ em được quy định với 4 tội danh: hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu và dâm ô.
Tại Khoản 1 Điều 146 của Luật này quy định tội “dâm ô” như sau: “Người nào đủ 18 tuổi trở lên có hành vi dâm ô với người dưới 16 tuổi không nhằm mục đích giao cấu hoặc nhằm thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác, thì sẽ bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm”.
Tuy nhiên, theo đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên), Phó giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Phú Yên (phụ trách lĩnh vực trẻ em, bình đẳng giới), những tội liên quan đến “hiếp dâm”, “giao cấu” được quy định rõ ràng các yếu tố cấu thành tội danh. Nhưng đối với tội “dâm ô” thì hiện nay vẫn là một bài toán khó. Quan niệm về truyền thống văn hóa, ai yêu thương thì cũng có thể cưng nựng trẻ em nên khó phân định được hành vi yêu thương và hành vi dâm ô, xâm hại đến trẻ là như thế nào.
“Có những người có triệu chứng bệnh lý, chỉ thích va chạm các bộ phận nhạy cảm về giới của trẻ. Sự va chạm trực tiếp nhưng không để lại chứng cứ pháp lý khiến cơ quan điều tra không có cơ sở điều tra cụ thể”, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền cho biết.
Cũng theo đại biểu Hiền, bằng chứng của kẻ phạm tội có hành vi “dâm ô” chỉ có thể được chứng minh khi có người làm chứng hoặc được ghi hình lại. Điều này hiện rất khó vì có những vụ việc xảy ra đã lâu, có trường hợp gia đình biết nhưng vẫn im lặng vì thấy con mình chưa bị tác động về thể chất.
“Yếu tố tâm lý cộng với chứng cứ pháp lý không có nên tòa án khó có thể giải quyết được, nhiều hồ sơ phải trả về”, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền khẳng định.
Còn theo đại biểu Bùi Văn Xuyền, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, hiện nay chế tài xử lý hành vi dâm ô đối với trẻ em chưa tương xứng. Khi xử lý hành vi này với kẻ phạm tội, các cơ quan chức năng cũng chưa thực sự kiên quyết giải quyết dứt điểm, kịp thời, từ đó khiến dư luận xã hội nhận thấy việc xử lý chưa thuyết phục, chưa đủ răn đe.
Cần có biện pháp phòng ngừa
Hiện nay, loại tội phạm này ngày càng phức tạp và có xu hướng gia tăng, gây tâm lý lo lắng cho các bậc phụ huynh. Để có thể ngăn chặn loại tội phạm này, theo đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền, cần tăng cường truyền thông để gia đình, các bậc phụ huynh biết. Đối với trẻ cấp tiểu học phải đưa vào chương trình giáo dục giới tính sao cho phù hợp độ tuổi, nhận thức và thể chất của trẻ.
“Bên cạnh đó cần có điều khoản ngăn ngừa từ xa, tạo hàng rào bảo vệ cho trẻ. Hiện ở những nước phát triển cho phép thực hiện biện pháp “giăng bẫy” (như trường hợp Minh Béo), khi đó, chứng cứ pháp lý được củng cố, đầy đủ hơn”, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền nói.
Còn theo đại biểu Bùi Văn Xuyền, với những vụ việc dâm ô trẻ em thì cơ quan pháp luật cần vào cuộc nhanh hơn, xử lý hành chính hay hình sự đều phải nghiêm minh hơn, xử phạt cao nhất ở mức cho phép, để có thể răn đe nhất định với loại tội phạm này.
Tuy nhiên, cùng với xử phạt nặng thì biện pháp phòng ngừa mới là quan trọng. “Nhà trẻ của tư nhân, tư thục đã lắp camera giám sát cũng hạn chế tốt tình trạng bạo hành, xâm hại trẻ em. Bên cạnh đó, cũng cần mạnh dạn tố giác vì thường tội dâm ô với trẻ em, nạn nhân không muốn đưa vụ việc ra công chúng. Điều này sẽ ảnh hưởng công tác đấu tranh tội phạm, các cơ quan chức năng vào cuộc cũng khó”, ông Bùi Văn Xuyền nhấn mạnh.