Hỗ trợ di dời lò gạch thủ công

Bình Thuận đã thực hiện quyết liệt các biện pháp nhằm chấm dứt sản xuất gạch thủ công gây ô nhiễm môi trường, tuy nhiên đến nay toàn tỉnh vẫn còn gần 150 vỏ lò chưa tháo dỡ, di dời, hoặc còn hoạt động cầm chừng. Các cơ sở chưa chấm dứt sản xuất vì nhiều lý do: Chưa thu hồi được vốn, không có tiền để chuyển đổi công nghệ, khối lượng đất sét còn tồn đọng quá nhiều…


Để chấm dứt hẳn sản xuất gạch thủ công và khuyến khích các cơ sở chuyển đổi sang hình thức sản xuất gạch tiên tiến, từ tháng 8/2012, tỉnh Bình Thuận sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gạch lò thủ công khi tháo dỡ, di dời, chấm dứt hoạt động hoặc chuyển đổi công nghệ. Theo đó, tỉnh sẽ hỗ trợ chi phí tháo dỡ cơ sở cũ, san ủi mặt bằng, di dời và lắp đặt thiết bị máy móc tại cơ sở mới.

 

Mức hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có 1 vỏ lò thủ công là 4 triệu đồng, các cơ sở có từ 3 vỏ lò thủ công trở lên là 10 triệu đồng. Ngoài ra các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gạch bằng lò nung thủ công thực hiện chuyển đổi công nghệ sang công nghệ lò hoffman, tuynel còn được vay vốn với lãi suất 0,5% trong vòng 6 tháng, miễn tiền thuê đất 3 năm kể từ ngày xây dựng hoàn thành đưa vào hoạt động đối với các cơ sở thực hiện di dời...


Bên cạnh đó để ổn định đời sống cho người lao động tại các khu sản xuất gạch thủ công, Bình Thuận sẽ chi ngân sách hỗ trợ một phần thu nhập trong thời gian ngừng sản xuất để chuyển đổi. Với người lao động có hợp đồng lao động, có xác nhận làm việc liên tục từ 6 tháng trở lên sẽ nhận mức hỗ trợ được tính bằng 75% lương tối thiểu. Những trường hợp không có hợp đồng lao động tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thì chỉ hỗ trợ ở mức không quá 7 người/vỏ lò và được hỗ trợ đào tạo nghề theo nhu cầu chuyển đổi. Bình Thuận phấn đấu đến cuối năm 2012, hoàn thành việc tháo dỡ và chấm dứt sản xuất gạch thủ công gây ô nhiễm môi trường.

 

Hồng Hiếu

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN