Hoàn thổ sau khai thác vàng tại Na Rì, Bắc Kạn: Vẫn chỉ là lời hứa

Khi lên phương án khai thác, các doanh nghiệp đều cam kết sẽ hoàn trả lại mặt bằng sản xuất nông nghiệp sau khi khai thác xong. Để đảm bảo cho người dân có thể canh tác trên diện tích cũ, các doanh nghiệp khai thác vàng sẽ phủ một lớp đất màu từ 20 - 30 cm lên bề mặt và thi công hoàn trả dòng suối, đảm bảo nguồn nước cung cấp cho sản xuất nông nghiệp... Thế nhưng, tất cả chỉ là lời hứa.

Quy định rõ ràng là vậy nhưng ở huyện Na Rì (Bắc Kạn), sau khi khai thác xong, nhiều điểm mỏ khai thác vàng hiện vẫn chỏng chơ đất đá, hố sâu ngập nước ngổn ngang. Hàng trăm ha đất nông nghiệp của người dân coi như mất trắng.

Theo các đề án cấp phép mỏ, cả 4 mỏ vàng trên địa bàn huyện Na Rì là mỏ vàng Tân An, Khu chợ cũ, Ao Tây và mỏ vàng Tốc Lù đều đã hết thời gian khai thác. Thời hạn hoàn thổ đã hết từ hơn 1 năm, nhưng cả 4 mỏ đều chưa hoàn thành việc hoàn thổ.

Mỏ vàng Bản Giang được UBND tỉnh Bắc Kạn cấp phép khai thác cho Công ty cổ phần An Thịnh từ cuối tháng 9/2008. Theo giấy phép được cấp, mỏ vàng Bản Giang sẽ được khai thác trong vòng 17 tháng với công suất khai thác là 52.000 m3 quặng/năm.

Việc san ủi vẫn tiếp tục tại khu vực mỏ vàng Bản Giang.


Trước khi bàn giao cho Công ty cổ phần An Thịnh, toàn bộ 11,27 ha đất thuộc mỏ vàng Bản Giang là đất soi bãi trồng lúa, ngô và cây màu hàng năm của các hộ dân thuộc hai thôn Bản Giang và Bàn Xả, xã Lương Thượng (Na Rì). Theo phương án hoàn thổ, thì tháng 3/2010, Công ty cổ phần An Thịnh phải bàn giao đất sản xuất cho địa phương. Tuy nhiên, đến ngày 31/5/2011, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Kạn, phối hợp với UBND huyện Na Rì và UBND xã Lương Thượng mới tiến hành nghiệm thu công tác đóng cửa mỏ vàng trên. Theo biên bản nghiệm thu ngày 31/5, đoàn kiểm tra đã tiến hành kiểm tra hiện trạng công tác đóng cửa mỏ như sau: Công tác san lấp mặt bằng: Công ty đã san lấp hoàn thổ toàn bộ diện tích 11,27 ha, rải đất màu trên toàn bộ diện tích san lấp; đào suối từ Khuổi Lịa ra sông Bắc Giang... Đoàn kiểm tra kết luận: Công ty cổ phần An Thịnh đã thực hiện đóng cửa mỏ theo đúng đề án đã được phê duyệt, khối lượng thi công đạt yêu cầu. Đoàn kiểm tra thống nhất nghiệm thu công trình đóng cửa mỏ vàng Bản Giang, giao UBND xã Lương Thượng quản lý và bảo vệ diện tích đã hoàn thổ.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, ngày 12/8, toàn bộ diện tích đất được nghiệm thu theo biên bản nêu trên vẫn ngổn ngang sỏi đá, hố đào ngập nước. Máy xúc, máy ủi và công nhân vẫn tiếp tục đào bới, san lấp. Khi được hỏi về sự trái ngược giữa biên bản nghiệm thu với thực tế hoàn thổ thì ông Nguyễn Duy Cầu, Chủ tịch UBND xã Lương Thượng cho biết: “Do lần đầu tiếp cận nên không nêu được hết ý của văn bản, thủ tục gẫy góc. Vì vậy sau khi nghiệm thu xong thì mặt bằng vẫn còn lẫn lộn đất đá...”(?).

Theo tính toán, để hoàn thổ có thể tốn tới hàng tỷ đồng, địa phương thì không được hưởng lợi gì từ các doanh nghiệp, trong khi người dân lại không có đất để canh tác. Anh Lương Văn Quế, trú tại Bản Giang, xã Lương Thượng, bức xúc nói: “Chúng tôi được biết mặt bằng thi công đã bàn giao cho xã quản lý nhưng đất toàn sỏi đá không trồng trọt gì được. Thậm chí, chúng tôi vẫn thấy họ đào bới khai thác cả ngày lẫn đêm, có lúc làm đêm, có lúc làm ngày, hoặc cũng có khi nghỉ gần một tuần không thấy làm rồi lại quay lại”.

Mỏ vàng Tốc Lù, xã Kim Hỷ, huyện Na Rì do Công ty cổ phần Tấn Thành quản lý thậm chí còn không tiến hành hoàn thổ. Đến thời điểm này, hàng nghìn khối đất đá vẫn ngổn ngang tại khai trường, doanh nghiệp dời đi đã lâu, nhưng người dân vẫn không có đất để sản xuất nông nghiệp.

Anh Đinh Duy Hùng, người dân thôn Kim Vân, xã Kim Hỷ, huyện Na Rì, cho biết: “Diện tích đất này trước đây chúng tôi vẫn dùng để trồng ngô, trồng lúa. Khi công ty khai thác vàng vào thuê đất của dân thì hứa sẽ hoàn thổ sau khi khai thác. Nhưng thực tế là khai thác xong họ bỏ đi mà không hề làm gì cả, để lại hàng đống đất sỏi khiến chúng tôi không thể canh tác”.

Theo tính toán của cơ quan chuyên môn, để san lấp trả lại hiện trạng ban đầu của mỏ vàng Tốc Lù cần không dưới 5 tỷ đồng. Đây là số tiền không nhỏ đối với địa phương còn khó khăn như huyện Na Rì.

Câu hỏi đặt ra trong việc quản lý, giám sát việc thực hiện các cam kết hoàn thổ của các doanh nghiệp khai thác vàng trên địa bàn huyện Na Rì vẫn chưa có lời giải.

Bài và ảnh: Hoàng Nam

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN