Gần đây, ngư dân huyện đảo Kiên Hải (Kiên Giang) rất bức xúc trước tình trạng nhiều phương tiện hành nghề cào đôi, cào bay hoạt động đánh bắt hải sản ở vùng biển cấm, vừa hủy diệt môi trường vừa gây va chạm, xung đột giữa các phương tiện.
Một trong những vụ va chạm đang chờ ngày xét xử là vụ phương tiện mang biển số KG 4414 TS, đang cào mực cách bờ biển Lại Sơn khoảng 3 hải lý thì va chạm với phương tiện cào đôi mang biển số KG 91330 TS.
Hậu quả tàu KG 4414 TS bị chìm tại chỗ, hư hỏng nặng, thiệt hại tổng cộng khoảng 77 triệu đồng. Sau khi xảy ra va chạm, tàu KG 91330 TS bỏ chạy vào bờ, không cứu vớt 2 ngư phủ của tàu KG 4414 TS bị rơi xuống biển.
Vợ chồng ông Nguyễn Văn Lân, ngụ ấp Thiên Tuế, xã Lại Sơn (Kiên Hải) đến giờ vẫn chưa hết bàng hoàng, kể về vụ việc ghe của mình bị một tàu khác va chạm trên biển. Vào lúc khoảng 22 giờ đêm, trong một chuyến đi cào mực, ghe của ông đang hoạt động trên vùng biển Kiên Hải thì bất ngờ bị tàu cào đôi đến đụng vào, làm bể một phần ghe.
Không những thế, ông Lân còn bị người trên tàu cào đôi lấy sắt ném vào đầu, bị đa chấn thương phần mềm vùng đầu và mặt. Ông lo lắng không chỉ cho tính mạng của mình mà còn lo các ngư phủ khác trên ghe, trên đảo Hòn Sơn đã gắn nghề biển hàng chục năm trời bám biển để nuôi sống gia đình. Họ cũng như ông Lân, làm nghề biển để mưu sinh, phía sau còn cả một gia đình.
Bà Bùi Thị Đức, vợ ông Lân, cũng bức xúc nói: "Không chỉ riêng gia đình tôi, còn nhiều ngư dân khác đang khốn đốn vì bị các ghe cào đôi, cào bay đánh chiếm ngư trường. Khi xung đột xảy ra, chúng tôi thường là những người bị thiệt hại nặng.
Tình trạng này kéo dài, chúng tôi không thể an tâm lao động, sản xuất được. Tôi và bà con ngư dân nơi đây đang chờ đợi sự can thiệp của Nhà nước, mong sớm tăng cường, kiểm soát hoạt động đánh bắt hải sản ở Lại Sơn nói riêng và cả vùng biển Kiên Giang nói chung".
Cào bay” đang là nỗi lo sợ của ngư dân huyện đảo Kiên Hải (Kiên Giang). |
Còn trên vùng biển huyện Phú Quốc, đã có hàng loạt vụ khẩu chiến, xô xát xảy ra giữa ngư dân hành nghề lưới ghẹ, lưới thưng với những người hành nghề cào bay, hàng chục lá đơn kêu cứu của bà con ngư dân gửi các cơ quan chức năng của tỉnh Kiên Giang, nhưng đều chưa được hồi âm.
Mới đây, gần 20 ngư dân xã Hàm Ninh, huyện đảo Phú Quốc đồng loạt kéo lên trụ sở UBND xã cầu cứu, yêu cầu chính quyền can thiệp xử lý "hung thần" cào bay. Nhưng chính quyền xã, huyện đều bối rối vì Nhà nước chưa có chủ trương cấm cào bay hoạt động mà chỉ cấm ở vùng gần bờ.
Đồn trưởng Đồn Biên phòng 746, Đặng Văn Mạnh, cho biết: "Từ đầu năm đến nay, lực lượng biên phòng kết hợp với chính quyền địa phương tham gia phân xử, hòa giải gần chục vụ va chạm tàu, thuyền trên vùng biển Lại Sơn.
Chúng tôi đã tăng cường tuần tra, kiểm soát tình hình ngư trường, nhưng biển rộng mà phương tiện và lực lượng còn thiếu nên không phát hiện hết được các vụ xung đột, va chạm tàu, thuyền". Các ngư dân đi biển vốn phải đối mặt với nhiều nguy hiểm, những vụ va chạm, xung đột xảy ra như vậy càng làm cho họ dễ gặp rủi ro hơn.
Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang đã ký ban hành Chỉ thị về việc ngăn chặn nghề cào bay tại tuyến bờ, tuyến lộng và các hoạt động khai thác thủy sản trái phép trên địa bàn tỉnh Kiên Giang. Thế nhưng, chỉ thị có rồi mà hành vi vi phạm của các "hung thần" trên vùng biển Kiên Giang vẫn y nguyên, thậm chí còn có quy mô lớn hơn và tinh vi hơn. |
Rõ ràng cần có sự kết hợp đồng bộ hơn nữa giữa chính quyền địa phương, lực lượng biên phòng và lực lượng kiểm ngư của tỉnh trong việc tuần tra, kiểm soát hoạt động của các phương tiện đánh bắt hải sản ở Kiên Giang, nhất là các phương tiện cào bay.
Đồng thời, cần phải đầu tư nhiều hơn nữa các trang thiết bị và lực lượng để hoạt động tuần tra, kiểm soát trên biển có hiệu quả hơn. Việc làm này không chỉ nhằm giữ vững tình hình trật tự an toàn trên vùng biển, giúp ngư dân hành nghề ốc mực, nghề câu, lưới ghẹ, nuôi trồng hải sản... an tâm lao động, sản xuất mà còn góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy hải sản ở vùng biển nội địa.
Hoàng Vân