Sáng 11/1, UBND thành phố Hà Nội công bố kết quả thanh tra, kiểm tra, rà soát công tác tuyển dụng công chức, viên chức các quận, huyện của thành phố năm 2011, 2012. Đây đang là vấn đề “nóng” mà thời gian gần đây dư luận và báo chí phản ánh theo những luồng thông tin không chính thức, cho rằng đang có tình trạng “chạy” vào công chức, viên chức Hà Nội mất không dưới 100 triệu đồng.
Theo báo cáo của UBND thành phố Hà Nội, việc tuyển dụng của ngành giáo dục các quận, huyện, thị xã trong năm 2012 đã đảm bảo tính công khai, dân chủ, đúng quy định. Các hội đồng tuyển dụng thực hiện tốt công tác coi thi, chấm thi, hạn chế phát sinh tiêu cực như: Công khai đề mở, bốc thăm chọn đề, bốc thăm thứ tự vào phòng thi, bốc thăm giám thị coi thi, bốc thăm giám khảo chấm theo từng buổi. Sau khi công bố kết quả tuyển dụng, hầu hết các hội đồng đều không nhận được đơn thư phản ánh và thắc mắc.
Tính đến ngày 4/1/2013 chưa phát hiện trường hợp nào đưa tiền và cán bộ nhận tiền để “chạy” vào công chức, viên chức, kể cả trường hợp sai phạm của huyện Ứng Hòa.
Tuy nhiên, trong quá trình kiểm tra và tự kiểm tra đã phát hiện, khâu dễ xảy ra sai sót là khi lên điểm, vào điểm; khâu dễ xảy ra tiêu cực là khi thực hành giảng bài, theo quy định không thực hiện phúc khảo nên cần đặt camera, ghi âm để giám sát; vẫn còn một số ít cán bộ, công chức, viên chức thiếu ý thức chấp hành kỷ luật, kỷ cương và đạo đức nghề nghiệp, nể nang trong thực thi công vụ như tại huyện Ứng Hoà; vẫn còn nhiều trường hợp thí sinh dùng bằng trung học phổ thông giả để đi học chuyên nghiệp hoặc dùng bằng chuyên nghiệp giả để tham gia tuyển dụng như tại các huyện: Mỹ Đức, Thanh Oai, Sơn Tây...
Thực tế, do lượng thí sinh quá đông so với chỉ tiêu, đã nảy sinh hiện tượng thí sinh và gia đình tìm gặp người thân quen để nhờ vả giúp đỡ. Đặc biệt, có người đã cả tin bị đối tượng xấu lợi dụng mạo danh lừa đảo, hứa hẹn “chạy giúp vào công chức, viên chức” để chiếm đoạt tiền. Như trường hợp của chị Phạm Thị Thơ, thường trú tại quận Hoàng Mai, bị đối tượng Nguyễn Thu Hằng ở xã Dương Hà, huyện Gia Lâm, lợi dụng, mạo danh là cán bộ Sở Nội vụ, nhận 280 triệu đồng của chị Thơ và một số người khác để “chạy quyết định vào làm giáo viên trường THPT Nguyễn Gia Thiều”. Đối tượng Hằng đã có tiền án về lừa đảo đang bị Công an Hà Nội hoàn thiện hồ sơ để đưa ra xét xử. Đây là trường hợp điển hình, nhưng cũng phần nào đã làm cho dư luận đồn đại, hiểu sai lệch về công tác tuyển dụng.
Kết quả tuyển dụng viên chức ngành giáo dục toàn thành phố năm 2012 như sau: Chỉ tiêu tuyển dụng giáo viên là 6.456 người, trong đó xét đặc cách giáo viên mầm non là 3.945; xét tuyển là 2.511 giáo viên THCS và tiểu học trong khi tổng số thí sinh dự xét tuyển là 6.748 hồ sơ. Số trúng tuyển là 6.315 người.
Về việc tiếp nhận, giải quyết khiếu nại tố cáo có 23 đơn đề nghị, chủ yếu ở Ba Vì, Chương Mỹ, Thạch Thất, Cầu Giấy, Hà Đông, Đông Anh, Thường Tín, Long Biên...; 12 đơn tố cáo, tập trung ở Hoài Đức, Mỹ Đức, Ứng Hòa, thị xã Sơn Tây, Mê Linh, Thanh Oai. Qua đơn tố cáo, một số hội đồng tuyển dụng đã đề nghị công an quận, huyện xác minh tổng số 536 trường hợp, trong đó huyện Mỹ Đức đã tiến hành xác minh tất cả các bằng trung học phổ thông của thí sinh. Kết quả đã phát hiện 43 trường hợp giả mạo bằng trung học phổ thông để đi học trung cấp chuyên nghiệp. Riêng huyện Mỹ Đức có 30 trường hợp, thị xã Sơn Tây, Hoài Đức, mỗi địa phương xác minh, phát hiện 3 trường hợp sử dụng bằng giả để dự tuyển.
Qua thông tin do phóng viên báo chí kiến nghị, ngày 3/10/2012, UBND huyện Ứng Hòa đã chủ động quyết định thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, có kết luận khẳng định việc thi tuyển có tình trạng nâng điểm phần thi thực hành giảng bài của 16 thí sinh dự tuyển chỉ tiêu giáo viên khối tiểu học. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa phát hiện trường hợp nào có hành vi đưa tiền và nhận tiền trong quá trình tuyển dụng.
Nguyễn Văn Cảnh