Tăng quyền cho kiểm lâm
Chất lượng rừng suy giảm, hiện tượng khai thác, mua, bán gỗ và lâm sản trái phép ngày càng diễn biến tinh vi, phức tạp; còn các địa phương có diện tích rừng lớn đều “than” thiếu nhân lực trầm trọng, Cục trưởng Cục Kiểm lâm Nguyễn Hữu Dũng (ảnh) cho biết Cục đang quyết liệt triển khai nhiều biện pháp để hạn chế tình trạng này. Chính phủ cũng đã đồng ý về nguyên tắc tăng thêm biên chế cho lực lượng kiểm lâm nhằm đảm bảo các hoạt động trong công tác quản lý bảo vệ rừng.
Thưa Cục trưởng, hiện tượng khai thác, mua bán và vận chuyển gỗ, lâm sản trái phép còn diễn biến phức tạp. Nguyên nhân do đâu, thưa ông?
Hiện nay, tình hình mua bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật ngày càng tinh vi, phức tạp, nguyên nhân chủ yếu là do tại các khu vực trọng điểm về phá rừng, chính quyền địa phương chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm quản lý nhà nước về quản lý bảo vệ rừng; việc bảo vệ rừng chủ yếu giao cho lực lượng kiểm lâm và chủ rừng thực hiện, chưa được sự chỉ đạo đồng bộ của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể tham gia quản lý, bảo vệ rừng. Trong khi đó, hầu hết các chủ rừng hiện nay chưa đủ năng lực bảo vệ rừng được giao; cơ chế trách nhiệm chưa rõ ràng, nên một số chủ rừng còn có biểu hiện buông xuôi, thiếu trách nhiệm.
Trong khi đó, một số chính sách quản lý bảo vệ rừng hiện nay còn có những bất cập, không tránh khỏi một số trường hợp lợi dụng để vận chuyển, chế biến, buôn bán gỗ, lâm sản trái pháp luật. Công tác quản lý các cơ sở chế biến, mua, bán gỗ hiện nay ở một số địa phương chưa thực sự hiệu quả. Cụ thể là việc cấp phép cho các cơ sở chế biến gỗ không gắn với nguồn nguyên liệu, thiếu quy hoạch. Trong khi đó, việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng lại chưa được thường xuyên, quyết liệt. Do vậy, thời gian qua vẫn còn xảy ra tình trạng buôn bán, chế biến gỗ bất hợp pháp.
Hiện có nhiều ý kiến lo ngại từ nay đến Tết, tình trạng trên còn diễn ra căng thẳng hơn. Vậy Cục Kiểm lâm đã và đang triển khai những biện pháp gì?
Cục Kiểm lâm đã và đang tăng cường nhiều biện pháp để giảm tình trạng chặt phá rừng. Cụ thể: Tham mưu cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 15/CT-TTg về Tăng cường chỉ đạo thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng và chống người thi hành công vụ; Quyết định về một số chính sách và giải pháp tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng; đồng thời tham mưu cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư thay thế Quyết định số 59/2005/QĐ-BNN hướng dẫn thủ tục hồ sơ vận chuyển, mua bán, cất giữ, chế biến, kinh doanh lâm sản; Quy chế quản lý xuất nhập khẩu cây cảnh, cây bóng mát, cây cổ thụ.
Bên cạnh đó, chỉ đạo lực lượng kiểm lâm toàn quốc chủ trì, tích cực phối hợp với các lực lượng công an, quân đội trên địa bàn tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra ngăn chặn các hoạt động khai thác, chế biến, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép; kiên quyết xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm.
Đồng thời, đổi mới phương thức hoạt động của lực lượng kiểm lâm theo hướng giảm các hoạt động kiểm soát lưu thông để tăng cường lực lượng cho cơ sở, bảo vệ rừng tận gốc và kiểm soát chặt chẽ lâm sản tại nơi chế biến, tiêu thụ.
Những vùng còn nhiều diện tích rừng lại đang chủ yếu rơi vào các huyện vùng cao. Hiện nay, nhiều Chi cục Kiểm lâm đang kêu lực lượng rất mỏng. Có tăng cường gì riêng cho vấn đề nhân lực không, thưa ông?
Trước tình hình quản lý bảo vệ rừng hiện nay, tại văn bản số 325/TB-VPCP ngày 11/11/2009 của Văn phòng Chính thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ, nêu rõ: “Đồng ý về nguyên tắc tăng biên chế kiểm lâm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm việc với Bộ Nội vụ để xây dựng đề án cụ thể, báo cáo Thủ tướng Chính phủ”. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lãnh đạo Tổng cục Lâm nghiệp đã giao cho Cục Kiểm lâm xây dựng Đề án tăng cường biên chế để đảm bảo hoạt động của kiểm lâm, đến năm 2015 đảm bảo biên chế kiểm lâm theo tiêu chí 1.000 ha rừng/1 biên chế kiểm lâm (riêng rừng đặc dụng 500 ha rừng/1 biên chế kiểm lâm). Số biên chế tăng thêm chủ yếu được tăng cường trực tiếp về cơ sở làm nhiệm vụ tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cấp xã thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng; đến năm 2015, đảm bảo các xã có rừng đều có kiểm lâm địa bàn để thực hiện toàn diện các nhiệm vụ về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Cùng với việc đề nghị bổ sung biên chế, Cục Kiểm lâm đã tham mưu cho Bộ phê duyệt Đề án đào tạo nghiệp vụ nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ công chức kiểm lâm và chủ rừng, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Xin cảm ơn Cục trưởng! |