Khai thác cát làm sông Lô sạt lở

Nhiều năm khai thác cát ồ ạt, quá mức và chủ yếu là hoạt động trái phép trên phạm vi sâu rộng đã khiến nhiều diện tích đất canh tác, đất vườn sạt lở trôi theo dòng sông Lô qua địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ.

Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN


Nhiều thôn, xã ven sông Lô, đất canh tác bị trượt xuống lòng sông bởi tình trạng khai thác cát quá mức với độ sâu lớn, xâm lấn bờ bãi. Cụ thể như ở xã Bạch Lưu, huyện sông Lô, có 4,6 km đê và bảy cống thoát dưới đê đang bảo vệ cho 600 hộ với 3.000 khẩu. Qua nhiều năm khai thác cát trái phép, hiện ước tính sơ bộ đã có trên dưới 6.000 m2 ruộng đất và cây trồng trên đất của người dân đã bị trôi xuống dòng sông.

Người dân cho hay, trước đây khu vực này có nhiều tàu cuốc hút cát trái phép, các đơn vị thường xuyên vi phạm, khai thác ngoài phạm vi ranh giới mỏ được cấp phép, "khoét sâu" đáy sông để chờ mùa lũ năm sau cát sẽ đổ về.

Tương tự, tại không ít địa phương có dân cư sống sát bờ sông Lô phía bên tỉnh Phú Phọ, tình hình khai thác cát sỏi cũng rất phức tạp, nan giải. Tuyến sông Lô chạy qua địa bàn tỉnh Phú Thọ thuộc các huyện Đoan Hùng, Phù Ninh, thành phố Việt Trì, có chiều dài hơn 63km, là tuyến vốn vài năm trước đây có nguồn cát sỏi cũng rất phong phú.

Tình trạng khai thác diễn ra dọc tuyến sông gây bao sự phiền toái, thiệt hại cũng khiến dân sống ven sông luôn than phiền vì tình trạng cát tặc lộng hành quá mức.

Thêm vào đó là hiện tượng thuê mướn xã hội đen bảo kê của các chủ tàu và thường xuyên “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”, thậm chí dùng hung khí để dằn mặt nhau. Và đoạn sông Lô chảy qua địa bàn tỉnh Phú Thọ nằm tiếp giáp với các tỉnh Vĩnh Phúc, Tuyên Quang trở thành địa điểm thường xuyên xảy ra tranh chấp khai thác cát giữa các doanh nghiệp.

Hiện nay khi cát sỏi ở lòng sông đã cạn kiệt, các chủ tàu cho người vào bờ mua đất sản xuất nông nghiệp của dân. Tại các điểm đã khai thác xong và cả những điểm đang khai thác, nhiều mỏ đã khai thác vượt độ sâu cho phép, tạo thành những hố sâu vài chục mét để chờ lũ kéo cát về hố để tận thu, điều này khiến thay đổi địa hình và dòng chảy, gây sạt lở bờ sông triền miên. Việc mua đất bồi bãi thường là thỏa thuận hai bên giữa người mua và người bán nên chính quyền không biết hoặc ngành chức năng không có đầy đủ chứng cứ xử phạt.

Từ đầu năm 2012 đến ngày 19/5/2013, Công an huyện Sông Lô đã phối hợp với các lực lượng khác của Công an tỉnh Vĩnh Phúc bắt giữ 10 tàu cuốc khai thác cát trái phép, trong đó ra quyết định tịch thu 8 tàu.

Công an huyện Sông Lô cũng xác định được 15 người dân có biểu hiện thỏa thuận, mua bán đất bãi với các đối tượng khai thác cát trái phép. Dư luận cho rằng chính quyền và các cơ quan chức năng có sông Lô đi qua phải phối hợp chặt chẽ, thường xuyên hơn nữa; đưa ra các biện pháp, giải pháp mới, đủ sức răn đe mới có hy vọng ngăn chặn được tình trạng khai thác cát sỏi hiệu quả.


Nguyễn Trọng Lịch


Bức xúc chuyện khai thác cát, dân trói công an
Bức xúc chuyện khai thác cát, dân trói công an

Mấy ngày gần đây, tại thôn Bôi Câu, xã Kim Bôi, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình, nhiều người dân đã tụ tập đông người, có một số hành động quá khích như đánh kẻng báo động, đập phá cổng nhà văn hóa thôn và biển “Làng Văn hóa”, tìm bắt Trưởng, Phó thôn và Bí thư Chi bộ thôn Bôi Câu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN