Không chỉ khai thác cát ở lưu vực các con sông lớn, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk các doanh nghiệp được cấp phép khai thác ở một số con suối nhỏ, gần nơi đồng bào sinh sống. Việc khai thác theo kiểu “tận thu” đang biến các con suối trở thành những dòng sông hung dữ. Người gánh chịu hậu quả không ai khác chính là nông dân.
Suối nước trong Krông Bông, đoạn chảy qua địa bàn hai thôn 6, 7 xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) đang xảy ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng, làm cuốn trôi một diện tích lớn đất và hoa màu của các hộ dân. Đây là đoạn suối được tỉnh Đắk Lắk cấp phép cho Công ty TNHH Trí Đức khai thác cát trên chiều dài 19 km.
Có mặt tại thôn 6, xã Vụ Bổn, phóng viên TTXVN đã chứng kiến, chỉ trên 1 dòng suối nhỏ mà có đến 2 tàu hút cát công suất lớn 150 m3/thuyền, hút cát liên tục; một thuyền dùng vòi hút xoáy sâu xuống lòng suối, một tàu khác dùng vòi chọc thẳng vào hai bên bờ suối. Chỉ sau một hồi, hàng chục tấn cát đã liên tục đổ sụp xuống, phần đất liền kề bị tác động, nứt toác, tạo thành những vệt dài. Thêm một tác động nhỏ là diện tích đất này sẽ sụp xuống. Việc khai thác cát theo kiểu tận thu không những làm mất một diện tích lớn đất sản xuất, hoa màu của người dân, mà đây còn là những cái "bẫy", cướp đi sinh mạng của người dân lúc nào không biết.
Anh Nguyễn Tá Hùng có 4 sào đất trồng ngô với năng suất hơn 1 tấn/sào ngay bên cạnh bờ suối Krông Bông. Đây là nguồn thu nhập chính của gia đình anh. Những năm gần đây, do Công ty TNHH Trí Đức dùng khoan hút cát gần bờ, khiến cho 2 sào đất của gia đình đã bị xóa sổ. Gia đình anh Hùng hiện không biết làm gì để bảo đảm cuộc sống. Không riêng gia đình anh Hùng, hàng chục hộ bào đồng nghèo có đất sản xuất ở hai bên suối nước trong Krông Bông cũng đang phải gánh chịu hậu quả tương tự.
Ông Nguyễn Xuân Huỳnh, Bí thư Chi bộ thôn 6, xã Vụ Bổn, bức xúc: Suối Krông Bông có nguồn nước trong xanh, đồng bào các dân tộc sống xung quanh khu vực thường sử dụng nguồn nước này để tắm, giặt, phục vụ sản xuất. Hiện nay, việc khai thác cát theo kiểu "tận thu" đã biến dòng suối thành một dòng sông nước đục ngàu, nhiều đoạn xoáy sâu, nguy hiểm. Nhiều đoạn suối đã xâm lấn sâu vào bờ từ 10 - 15 m và ngày càng mở rộng. Cũng chính trên đoạn suối này đã có trường hợp do sạt lở, người rớt xuống suối tử vong.
Theo phản ánh của một số hộ dân, không chỉ Công ty TNHH Trí Đức được cấp phép khai thác cát ở suối nước trong Krông Bông, mà ở toàn tuyến con suối này, UBND tỉnh Đắk Lắk còn cấp phép cho hai đơn vị khai thác cát khác là Công ty cổ phần vật liệu xây dựng Tây Nguyên (năm 2008) và Công ty TNHH Hà Bình (năm 2010).
Hai bên suối Krông Bông cũng được doạnh nghiệp tận dụng làm bãi tập kết cát cao trên 10 m. Hàng ngày có hàng chục xe ben vận chuyển cát ra vào. Theo quan sát của phóng viên, tất cả các xe chở cát ở đây đều chở quá tải, không theo quy định. Mỗi lần có xe chạy qua, đường liên thôn xã Vụ Bổn gió cuốn theo bụi bay mù mịt; đặc biệt việc xe ben chở quá tải đã làm cho hệ thống đường liên thôn, liên xã ở đây xuống cấp nghiêm trọng.
Ông Nguyễn Xuân Hưng, Phó Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Krông Pắk cho biết: Công ty Trí Đức khai thác cát không theo quy trình, gây sạt lở nghiêm trọng, UBND huyện Krông Pắk kiến nghị với Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Đắk Lắk lập đoàn kiểm tra, có hướng xử lý kịp thời, thậm chí là đình chỉ hoạt động khai thác của công ty. Đối với hoạt động chở quá tải của các doanh nghiệp làm đường liên thôn, xã bị hư hỏng nghiêm trọng, UBND huyện sẽ chỉ đạo đội liên ngành, kiểm tra xử lý triệt để khi phát hiện.
Hiện tượng sạt lở do khai thác cát theo kiểu "tận thu" của các doanh nghiệp đang gây khó khăn cho cuộc sống, mưu sinh của đồng bào các dân tộc sống ở khu vực các dòng suối. Để giải quyết tình trạng này, tỉnh Đắk Lắk và các ngành chức năng cần giải quyết dứt điểm tình trạng khai thác cát trái phép, bảo đảm đời sống, phát triển kinh tế, an sinh xã hội cho người dân trên địa bàn.
Phạm Văn Cường