Đoạn sông Hồng chảy qua địa phận các thôn này dài hơn 1 km nhưng hàng ngày có hàng chục tàu với tải trọng, công suất khác nhau tập kết về hút cát, cao điểm có từ 25 đến 30 tàu hút cát, vào ban đêm có khi có hơn 40 tàu về đây “ăn hàng”.
Bãi bồi sạt lở do hút cát
Ngày 27/9, theo sự chỉ dẫn của người dân thôn Văn Thái, xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, nhóm phóng viên đã có mặt tại bãi bồi trồng màu của người dân các thôn Văn Thái, Dũng Nhuệ, Trường Xuân của xã Duy Nhất. Theo nhiều người dân cho hay, tình trạng khai thác cát trên sông Hồng xảy ra trên diện rộng, nhưng khúc sông Hồng qua địa phận các thôn này thì “nở rộ” nhất, dễ thấy nhất trong mọi thời điểm của một ngày. Khảo sát hàng trăm mét dọc tuyến sông, đập vào mắt phóng viên là những hình ảnh đã minh chứng, tố cáo tình trạng khai thác cát tại khu vực này đang ở mức “báo động đỏ”. Bờ bãi ruộng màu của nông dân trồng ngô, rau… bị sạt lở từng vùng lớn, những đoạn bờ kè đá bị hư hại, sạt lở bên mép sông đang có xu hướng tiếp tục đe dọa, sạt lở. Quan sát bằng mắt thường cũng thấy được h àng nghìn mét vuông đất bãi phù sa màu mỡ dọc bờ sông Hồng của người dân đang canh tác đã bị sạt lở do hậu quả của “cát tặc” gây nên; nhiều đoạn đã sạt lở sâu vào bãi hơn 10m.
Chị Nguyễn Thị Hải, thôn Dũng Nhuệ, xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình bức xúc: "Hai năm trước có 5 đến 7 thuyền hay về đây hút cát, nhưng năm nay thì tình trạng này xảy ra nhiều hơn. Có hôm số lượng tàu về hút cát phải đến 25 đến 30 chiếc toàn loại lớn. Phần đất bãi bồi của gia đình tôi được thuê trong thời gian 20 năm, nay đã bị sạt lở vào khoảng 5m đến 7m rồi".
Chung nỗi bức xúc bác Trần Văn Phú, thôn Dũng Nhuệ, xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, cùng chia sẻ: Tàu hút cát về đây ồ ạt nửa tháng nay rồi, toàn những tàu to, hút khoảng 5 đến 6 tiếng đồng hồ mới đầy tàu. Dân cư chúng tôi khiếp lắm, bờ kè bị sạt lở, ruộng của dân bị sạt lở còn nguy hiểm đến cả con đê trong kia, tiêu tốn tiền của Nhà nước. Tuyến đê này bị sạt lở có chỗ nhiều chỗ ít, có chỗ sạt lở sâu vào hơn chục mét.
Theo nhiều người dân các thôn Văn Thái, Trường Xuân, Dũng Nhuệ, tình trạng khai thác cát trên sông Hồng làm ảnh hưởng tới đồng ruộng, hoa màu, sạt lở ruộng, kè đá. Họ đã nhiều lần làm đơn kiến nghị các cấp chính quyền cần có giải pháp xử lý các chủ tàu thuyền vi phạm, tuy nhiên hoạt động khai thác cát tràn lan tại đây vẫn tái diễn.
Lỏng lẻo hay bất lực trong quản lý?
Theo tìm hiểu của phóng viên, khu vực mỏ cát trên sông Hồng qua địa bàn xã Duy Nhất được tỉnh cấp phép cho các doanh nghiệp hoạt động từ năm 2014. Khi các doanh nghiệp thực hiện khai thác, huyện Vũ Thư cũng đã bàn giao bản đồ, mốc tọa độ, yêu cầu doanh nghiệp thả phao lộ giới khoanh vùng phạm vi khai thác. Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Vũ Thư cũng đã nhắc nhở đại diện các doanh nghiệp triển khai hoạt động khai thác cát đúng quy định. Song trong quá trình thực hiện các doanh nghiệp đã không quản lý, thực hiện nghiêm các quy định của Luật Khoáng sản, đặc biệt khai thác cát không đúng phạm vi mỏ được phép, thậm chí tranh thủ thời gian đêm tối, lén lút hút cát gần bờ dẫn đến tình trạng sạt lở bãi của người dân.
Thừa nhận tình trạng khai thác cát đang “nở rộ” trên sông Hồng, tại địa bàn xã Duy Nhất, ông Trần Huy Hải, Chủ tịch UBND huyện Vũ Thư (tỉnh Thái Bình) cho biết: Về tình trạng khai thát cát trên sông Hồng, Vũ Thư không có lực lượng Công an đường thủy (Công an tỉnh Thái Bình) thì huyện không xử lý được. Sắp tới huyện sẽ trao đổi với công an đường thủy để có hướng xử lý tốt hơn.
Hệ lụy của tình trạng khai thác cát tràn lan trên sông Hồng đoạn qua địa phận xã Duy Nhất (huyện Vũ Thư) đã rõ. Nếu các cấp chính quyền xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, ngành chức năng của tỉnh Thái Bình không có biện pháp xử lý nghiêm, triệt để thì diện tích đất bãi trồng màu của người dân địa phương sẽ bị xâm hại, sinh hoạt của người dân bị đảo lộn mà nguy hiểm hơn, tuyến đê Hồng Hà II đoạn qua địa bàn xã Duy Nhất tất yếu sẽ bị uy hiếp, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống thiên tai, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân.